Sau vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch có sức công phá khoảng 6 kiloton gần đây, CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân cho đến khi nào Mỹ từ bỏ chính sách thù địch.
Ngày 11/1, CHDCND Triều Tiên (viết tắt là Triều Tiên) đề xuất ký thỏa thuận hòa bình với Mỹ và tuyên bố sẽ đáp trả bằng bom nhiệt hạch đối với mọi cuộc xâm lăng - ám chỉ việc Lầu Năm Góc đưa máy bay ném bom chiến lược B-52 mang vũ khí hạt nhân từ căn cứ trên đảo Guam tới Hàn Quốc. Trong tình hình này, liệu có khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên?
Về vấn đề này, bình luận viên của báo Rossiya Segodnya, ông Alexander Khrolenko viết:
CHDCND Triều Tiên có tiềm năng quân sự rất lớn. Quân số của Các lực lượng vũ trang của Triều Tiên là hơn 1 triệu người, đông gần gấp đôi so với quân số của Các lực lượng vũ trang Hàn Quốc, nơi còn có 28.000 lính Mỹ hiện diện. Triều Tiên có một kho vũ khí đáng kể gồm các loại vũ khí thông thường và tên lửa đạn đạo.
Trong cuộc xung đột quân sự 1950-1953 trên Bán đảo Triều Tiên, Mỹ và Triều Tiên đã ký thỏa thuận ngừng bắn, tức là cho đến ngày nay các bên chính thức vẫn đang trong trạng thái chiến tranh. Bình Nhưỡng đã nhiều lần đề xuất sáng kiến hòa bình, nhưng Washington luôn luôn khước từ khả năng ký kết hiệp ước hòa bình và liên tục gây sức ép với Triều Tiên bằng các phương tiện quân sự-chính trị. Do đó, nhân dân Triều Tiên thực sự vui mừng trước các thành tựu của ngành công nghiệp quốc phòng nước nhà.
Tuy nhiên, ngoại trừ một số xung đột vũ trang không đáng kể, sự đe dọa lẫn nhau của các bên trong xung đột trên Bán đảo Triều Tiên nhiều thập kỷ chỉ mang tính chất hình thức. Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không phải hoàn hảo đến mức có thể gây thiệt hại đáng kể cho Mỹ hoặc các đồng minh của nước này. Đối với Washington, để có một cuộc chiến thắng nhỏ với Bắc Triều Tiên, 28 000 binh sĩ, một tàu sân bay và một máy bay ném bom chiến lược chắc hẳn là chưa đủ. Các nước láng giềng của Triều Tiên là Trung Quốc và Nga thì không có lợi gì trước sự mất ổn định tình hình và leo thang xung đột trên Bán đảo Triều Tiên. Tốt hơn hết là cân nhắc các sự kiện này để tìm giải pháp đôi bên cùng có thể chấp nhận.
Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) xác định rằng cường quốc hạt nhân được công nhận là những nước đã thử vũ khí hạt nhân trước ngày 1/1/1967. “Câu lạc bộ hạt nhân chính thức” bao gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc. Ấn Độ và Pakistan là cường quốc hạt nhân trên thực tế. CHDCND Triều Tiên tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1985. Trước đây, chỉ có Mỹ và Nga thử nghiệm bom nhiệt hạch, thế nhưng hiện giờ chỉ cần 1/10 tổng số kho vũ khí hạt nhân hiện có cũng đã đủ để tiêu diệt toàn bộ nhân loại. Cho nên, hoàn toàn có thể hiểu được sự quan ngại của cộng đồng thế giới, liên quan đến việc Triều Tiên thử nghiệm bom nhiệt hạch mới đây.
Trung Quốc kêu gọi không leo thang tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, trong khi Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc lên án mạnh mẽ vụ Bình Nhưỡng thử hạt nhân. Bộ Ngoại giao Nga ghi nhận tính chất nguy hiểm trong hành động của Triều Tiên. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói thẳng rằng Bình Nhưỡng phá hoại ổn định trong khu vực và quốc tế.
Cần phải hiểu rằng hủy diệt cơ sở hạ tầng hạt nhân của Triều Tiên bằng lực lượng vũ trang của các nước khác có thể khởi đầu xung đột hạt nhân, trong khi Bán đảo Triều Tiên hội đủ các tiềm năng kỹ thuật cho một cuộc chiến tranh như vậy.
Chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên bắt đầu được thực thi vào những năm 1950, sau khi Liên Xô tiến hành thăm dò quặng uranium ở nước này. Khi đó, các nhà địa chất đã phát hiện 26 triệu tấn uranium, trong đó có 4 triệu tấn thích hợp cho sản xuất công nghiệp. Vụ thử bom nhiệt hạch ngày 6/1 vừa qua là vụ thứ tư trong loạt thử hạt nhân tương tự kể năm 2005, khi Triều Tiên tự tuyên bố là cường quốc hạt nhân.
Minh Châu (Theo Sputnik)