Chính trường Mỹ đang nổi sóng xung quanh nghi án Tổng thống Donald Trump tiết lộ thông tin mật cho Ngoại trưởng Nga Lavrov, cộng với việc ông chủ Nhà Trắng yêu cầu Giám đốc FBI James Comey (người sau đó đã bị sa thải) ngừng điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
|
Ông chủ Nhà Trắng Donald Trump yêu cầu Giám đốc FBI James Comey ngừng điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Ảnh Global Research |
Đã xuất hiện những lời kêu gọi luận tội Tổng thống, từ không chỉ chính giới Mỹ. Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy gần một nửa số cử tri Mỹ được hỏi cho biết họ muốn ông Trump phải bị luận tội.
Nhưng luận tội một Tổng thống Mỹ có phải là một việc dễ dàng? Và chính xác thì những ai đã từng bị luận tội trong lịch sử? Câu trả lời của BBC có thể khiến bạn ngạc nhiên.
Luận tội là gì?
Tại Mỹ, luận tội là thủ tục chính thức truy tố tổng thống hay một viên chức dân sự của chính phủ vì những hành động phạm pháp thực hiện trong khi đang tại chức. Việc xét xử thực sự về những điều truy tố này và sau cùng là phế truất quan chức bị kết tội là một hành động khác, riêng biệt.
Luận tội có thể coi là tương ứng với bước truy tố bị can tại các tòa án thông thường trong khi việc xét xử bởi một viện lập pháp thì tương ứng với việc xử án trước một thẩm phán và bồi thẩm đoàn tại các tòa án. Thông thường, Hạ viện Mỹ là nơi luận tội viên chức và Thượng viện sẽ tiến hành xét xử.
Hiến pháp Mỹ tuyên bố, một tổng thống "sẽ phải rời nhiệm sở khi bị luận tội và kết tội phản quốc, nhận hối lộ hoặc phạm các tội ác hay hành động phi pháp mức độ nặng khác". Nhưng chính xác những gì bị quy là "tội ác và hành động phi pháp mức độ nặng" thì vẫn còn gây tranh cãi.
Thủ tục luận tội được bắt đầu từ Hạ viện, và chỉ cần một đa số tương đối (trên 50%) để thông qua. Sau đó, một phiên xét xử sẽ được Thượng viện tiến hành. Nhưng tại Thượng viện, cuộc bỏ phiếu kết tội phải giành được đa số tuyệt đối (trên 2/3) để có thể bãi nhiệm Tổng thống - điều chưa từng xảy ra trong lịch sử nước Mỹ.
Ai đã thực sự bị luận tội?
Mặc dù nhiều Tổng thống Mỹ từng đối mặt với nguy cơ bị luận tội, nhưng trên thực tế chỉ có hai vị từng trải nghiệm thủ tục căng thẳng này.
Gần đây nhất là Tổng thống thứ 42 của Hoa Kỳ, Bill Clinton. Ông Clinton bị luận tội với hai tội danh khai man trước đại bồi thẩm đoàn và cản trở công lý, sau khi nói dối về nguyên do cuộc tình vụng trộm với cô thực tập sinh Monica Lewinsky, rồi xui cô này nói dối luôn.
Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu với tỉ lệ 228/206 ủng hộ luận tội Tổng thống Clinton với cáo buộc thứ nhất và 221/212 với cáo buộc thứ hai. Tỉ lệ này đạt được trong bối cảnh vào thời điểm tháng 12/1998, tỉ lệ ủng hộ ông Clinton đang rất cao, tới 72%. Tuy vậy, khi đưa lên Thượng viện vào năm 1999, đề nghị luận tội đã bị gạt lại bởi không đủ 2/3 số phiếu ủng hộ.
Vụ luận tội thứ hai trong lịch sử Mỹ, thật bất ngờ không phải nhằm vào Tổng thống Richard Nixon - nhân vật chính trong bê bối Watergate, mà là Andrew Johnson, Tổng thống thứ 17 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, cầm quyền từ năm 1865.
Ông Johnson bị Hạ viện bỏ phiếu luận tội vào năm 1868. Sự kiện này diễn ra chỉ 11 ngày sau khi ông sa thải Bộ trưởng Chiến tranh Edwin Stanton, vốn bất đồng với các chính sách của Tổng thống. Andrew Johnson chỉ may mắn "sống sót" nhờ duy nhất 1 lá phiếu chênh lệch của nghị sĩ Cộng hòa bang Iowa trong cuộc bỏ phiếu quyết định tại Thượng viện.
Tuy nhiên, sự tương đồng giữa vụ sa thải ông Stanton với sự kiện Giám đốc FBI James Comey bị ông Trump bất ngờ sa thải, vừa qua lại không bị truyền thông Mỹ để ý.
Vậy ông Trump có thể bị luận tội không?
Về lý thuyết thì "Có". Ông Trump có thể bị buộc tội vi phạm lời tuyên thệ nhậm chức Tổng thống là "duy trì, gìn giữ và bảo vệ" Hiến pháp Mỹ.
Nhưng trên thực tế thì không đơn giản như vậy.
Theo phóng viên BBC tại Bắc Mỹ Anthony Zurcher, "nếu là một Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát, thì những điều khoản luận tội hầu như chắc chắn sẽ được đưa vào quy trình dự thảo".
Nhưng phe Cộng hòa hiện kiểm soát Hạ viện với tỉ lệ 238/193 ghế và kiểm soát Thượng viện với 52/46 ghế, ngoài ra còn hai ghế độc lập.
Đại đa số nghị sĩ Cộng hòa vẫn trung thành với Tổng thống, cho dù tỉ lệ ủng hộ ông đang tụt xuống mức rất thấp. Trang FiveThirtyEight công bố tỉ lệ trung bình ủng hộ ông Trump là 39,9% dựa trên các cuộc thăm dò tiến hành trước tuần này.
Tất nhiên, cũng có những ngoại lệ đáng chú ý. Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain mới đây thẳng thắn cho rằng, những bê bối quanh Tổng thống đang chạm tới "quy mô vụ Watergate".
Thậm chí đã bắt đầu có dấu hiệu khiêu khích trong nội bộ đảng Cộng hòa. "Chúng ta liệu có một ngày nào vắng khủng hoảng không? Đó là tất cả những gì tôi đang hỏi", Thượng nghị sĩ Cộng hòa Susan Collins phát biểu với CNN.
Nhưng những quan ngại trên sẽ sớm chuyển sang chủ đề mùa bầu cử kế tiếp vào 2018 và mỗi ứng cử viên (Cộng hòa) chắc chắn sẽ hỏi: "Liệu vị Tổng thống này có đang gây tổn hại tới các cơ hội của tôi hay không?"
Theo Thu Hằng/Báo Tin Tức