Trong bối cảnh hỗn loạn thông tin về số phận máy bay Boeing 777-200ER của Hãng hàng không quốc gia Malaysia bị mất tích ngày 8/3, dù rằng hiện vẫn chưa rõ chiếc máy bay chở thêm 239 hành khách này rơi xuống biển hay bị không tặc bắt cóc, tuy nhiên sau vụ việc này đặt ra cho công tác tìm kiếm máy bay gặp nạn trên biển nhiều vấn đề.
Một chuyên gia về tìm kiếm và cứu nạn trên biển đã chỉ ra những thách thức phải đối mặt với lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng không, trong việc phát hiện máy bay.
|
Sĩ quan Không quân Việt Nam đang quan sát tìm kiếm trên mặt biển.
|
“Tìm kiếm cứu nạn (SAR) là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là khi vị trí cuối cùng của máy bay là không rõ ràng”, ông này nói.
Theo vị này, ban đầu, việc tìm kiếm trên không có thể sẽ bắt đầu từ một điểm xuất phát sau đó mở rộng ra theo hình vuông hoặc hình xoáy ốc. Việc tìm kiếm phải tính toán đến hướng gió và dòng chảy, để từ vị trí các mảnh vỡ được phát hiện, có thể lần ra vị trí máy bay.
“Các mốc ban đầu rất mơ hồ làm cho khu vực tìm kiếm rộng lớn hơn, và thời gian càng trôi qua, việc tìm kiếm càng khó khăn”, ông nói.
Trong cuộc tìm kiếm chiếc Boeing 777-200ER của Malaysia, hơn 10 quốc gia đã huy động hàng chục máy bay và tàu chiến cùng nhiều khí tài trinh sát hiện đại (gồm cả vệ tinh). Nhưng theo các chuyên gia thì các hệ thống trinh sát hiện đại thực tế không giúp ích được nhiều.
“Radar là một công cụ tìm kiếm diện rộng. Trong khi đó, các mảnh vỡ thường là tương đối nhỏ và dập dềnh trên mặt nước, rất khó bị phát hiện bằng radar. Ngoài ra, mảnh vỡ trôi nổi tuân theo những qui luật hay vận tốc Doppler, nên thường bị bộ lọc của radar bỏ qua. Tắt tính năng bộ lọc đó sẽ tạo ra vô số mục tiêu lộn xộn vô giá trị, và càng gây khó khăn cho việc tìm kiếm”, vị chuyên gia cho biết.
Các cảm biến quang điện/hồng ngoại (thường lắp trên trực thăng, máy bay tuần thám biển) cũng không giúp được nhiều. Nếu như chuyến bay MH370 đã lao xuống biển, thì nó sẽ có nhiệt độ cùng với nhiệt độ nước biển, và rất khó bị phát hiện bằng các thiết bị trinh sát hồng ngoại.
|
Hai binh sĩ Singapore nhìn qua ô cửa máy bay vận tải C-130 tìm máy bay trên biển.
|
Dù rằng Biển Đông, vịnh Thái Lan hay eo Malacca nhỏ hơn nhiều so với Nam Đại Tây Dương, nơi chuyến bay Air France AF447 bị rơi vào năm 2009, nó vẫn là một khu vực rộng lớn và đầy thách thức.
Một lượng lớn các tàu thuyền đánh cá nhỏ đang miệt mài làm việc trên các khu vực nghi máy bay mất tích. Hầu hết trong số này không có hệ thống nhận dạng tự động (AIS), chúng chủ yếu chỉ được trang bị trên các tàu lớn hơn.
“Mỗi một tàu đánh cá này sẽ là một “mảnh vỡ” tiềm năng mà lực lượng tuần tra biển phải đánh giá và loại bỏ. Công việc tìm kiếm vì thế cũng khó khăn hơn nhiều”, vị chuyên gia nói.
Vì vậy, theo ông này “khí tài trinh sát” hiệu quả nhất, tốt nhất để phục vụ tìm kiếm máy bay gặp nạn trên biển là mắt thường. “Các cảm biến tốt nhất cho tìm kiếm cứu nạn hiện nay vẫn là mắt thường, đó là lý do tại sao máy bay tuần tra trên biển đều được thiết kế với khả năng bay thấp và chậm để phát hiện những người sống sót hoặc các mảnh vỡ nhỏ”.
Lương Minh