Về việc Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông, nhật báo Le Monde phỏng vấn nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, trưởng bộ môn Khoa học chính trị của trường đại học Baptist Hong Kong và là tác giả cuốn sách “Chính sách quốc tế của Trung Quốc: giữa hội nhập và ý hướng đại cường”.
|
Nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan: Bắc Kinh rõ ràng đang quân sự hóa Biển Đông. Ảnh You Tube |
Về việc Trung Quốc đưa tàu sân bay Liêu Ninh tập trận ở Biển Đông và cho máy ném bom chiến lược bay khắp vùng biển đang có tranh chấp này, học giả Cabestan nói:
“Đó là một cách phô trương… sức mạnh quân sự Trung Quốc. Tàu sân bay vừa là đặc trưng vừa là biểu tượng của quyền năng. Tàu sân bay có nhiều chức năng, được triển khai để mang đến một thông điệp vừa chiến lược vừa ngoại giao. Trung Quốc đã tiến dần từng bước với tàu sân bay Liêu Ninh: ban đầu họ tập dượt… ở Biển Hoa Đông, rồi đến Thái Bình Dương, sau đó đến địa điểm nhạy cảm là Biển Đông”.
“Không quân Trung Quốc cũng chứng tỏ khả năng… tiếp liệu trên không cho các máy bay tiêm kích và máy bay ném bom. Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc được trang bị rất tốt. Trong quá khứ, chúng ta từng thấy dân quân biển can thiệp trong những vụ va chạm. Để xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông, Bắc Kinh đã huy động đủ loại đơn vị để nạo vét và cải tạo”.
“Phía sau tất cả những điều đó là ý định bảo vệ căn cứ tàu ngầm Tam Á trên đảo Hải Nam, bảo đảm cho các tàu ngầm nguyên tử phóng hỏa tiễn có thể được triển khai ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương mà không bị phát hiện. Bị kẹt giữa những chuỗi đảo, nhất là những đảo gần nhất đang do các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Đài Loan, Philippines kiểm soát, vấn đề địa lý là tối quan trọng cho Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, việc xích lại gần tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là cần thiết”.
“…Tất cả những động thái trên không phải là quyết định ngẫu nhiên, mà là phản ứng trước cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, cũng như tuyên bố của Tổng thống Mỹ đắc cử (Donald Trump) về chính sách ‘một nước Trung Hoa’. Trong những tháng tới, có lẽ Trung Quốc sẽ gây thêm áp lực quân sự lên Đài Loan”.
Về nguy cơ va chạm hay xung đột, chuyên gia Jean-Pierre Cabestan nhận định:
“Có nhiều rủi ro do tính toán sai lầm. Nhưng tôi nghĩ rằng Bắc Kinh bằng mọi giá cố tránh mọi sự cố dẫn đến xung đột vũ trang với Mỹ. Vụ cưỡng đoạt chiếc tàu ngầm tự hành là một tín hiệu cho chính phủ mới ở Mỹ. Cũng có các nguy cơ đối với Nhật Bản, cho dù Trung Quốc hành động một cách thận trọng, bối cảnh hiện nay có thể dẫn đến một sự cải thiện quan hệ nho nhỏ”.
Liên quan đến việc Mỹ và Trung Quốc cáo buộc lẫn nhau là quân sự hóa Biển Đông, ông Cabestan khẳng định:
“Rõ ràng, Bắc Kinh đang…quân sự hóa các đảo nhân tạo (mà nước này bồi đắp trái phép) trên Biển Đông. Họ nói rằng việc bố trí các thiết bị quân sự trên đó là khiêm tốn, mang tính phòng vệ - điều này thật khó tin. Còn việc quân sự hóa thì không thể chối cãi. Hơn nữa, chúng ta sẽ chứng kiến cảnh các máy bay chiến đấu và chiến hạm Trung Quốc cấp tập qua lại Biển Đông, thông qua Eo biển Đài Loan (giữa Trung Quốc với Đài Loan) và Eo biển Ba Sĩ (giữa Đài Loan với Philippines)…”.
“Việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự gây ra nhiều hậu quả khác nhau. Tại Đài Loan, bà Thái Anh Văn đã đưa ra chương trình đóng một số tàu ngầm. Nhật Bản cải thiện các thiết bị nghe lén và giám sát trên đảo Ishigaki và Yonaguni, nằm cách Đài Loan 50 hải lý. Tokyo cũng tăng ngân sách quốc phòng, nhưng việc gia tăng này có giới hạn. Ngược lại, ngân sách dành cho lực lượng tuần duyên Nhật - vốn không trực thuộc quốc phòng - được tăng lên rất nhiều, đó là một lực lượng được trang bị hùng hậu và hiệu quả. Giữa Đài Bắc và Tokyo, người ta quan sát thấy các dấu hiệu của một sự hội tụ lợi ích chiến lược. Người Nhật nay đã tiến hành đối thoại an ninh công khai hơn với Đài Loan và mới đây đã đổi tên cơ quan đại diện tại Đài Bắc”.
Về phản ứng của Mỹ trước các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, học giả Jean-Pierre Cabestan nhận xét:
“Họ (người Mỹ) thực sự bối rối. Trung Quốc đã tiến bước một cách hết sức cẩn trọng, chú ý không quân sự hóa trực tiếp các khu vực tranh chấp, tránh xâm phạm trực tiếp quyền của các nước láng giềng. Mỹ rất khó ngăn cản các động thái ‘tằm ăn lá dâu’ này. Mỹ có thể tăng cường các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, kể cả khu vực gần các đảo nhân tạo, vốn không được luật pháp quốc tế coi là đảo. Nhưng sự việc dừng lại ở đó. Bắc Kinh để yên cho các hoạt động này và dù sao đi nữa, họ (Trung Quốc) không thể phiêu lưu qua việc đánh lén người Mỹ.
Minh Châu (Theo Le Monde)