Chuyên gia Nga: Trung Quốc không muốn hoàn tất COC

Google News

(Kiến Thức) - Trên thực tế, Trung Quốc không muốn hoàn tất bộ Qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), trong khi các nước ASEAN lại thiếu thống nhất về vấn đề này.

Đó là nhận định của chuyên gia khoa học chính trị người Nga Grigory Lokshin.
Chuyen gia Nga: Trung Quoc khong muon hoan tat COC
Chuyên gia Nga Grigory Lokshin: Trung Quốc không muốn bị ràng buộc bởi bộ Qui tắc ứng xử ở Biển Đông.
Chuyên gia Grigory Lokshin nhắc rằng cho đến nay, Trung Quốc và ASEAN đã tổ chức nhiều vòng tham vấn về việc chuẩn bị Qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Nhưng những vấn đề có tính thủ tục không thể thúc đẩy công việc tiến xa hơn.
Theo chuyên gia Lokshin, vướng mắc trước hết là do những đòi hỏi mà  phía Trung Quốc đưa ra. Vấn đề là ở chỗ các cuộc tham vấn tiến hành trong khuôn khổ nhóm làm việc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký kết năm 2002. Không ai thi hành DOC, cả Trung Quốc lẫn các nước ASEAN, bởi đó là tuyên bố chứ không phải luật có tính ràng buộc pháp lý. Đại diện Trung Quốc đòi thảo luận trước hết về việc thực hiện DOC, rồi sau đó mới chuyển sang vấn đề soạn thảo COC. Còn các nước ASEAN đề xuất tham khảo ý kiến cả về DOC và COC song song với nhau.
Chuyên gia Lokshin nhận định: Thực tế cho thấy người Trung Quốc chẳng cần Qui tắc ứng xử trên Biển Đông. Họ hoàn toàn thỏa mãn với tình trạng thiếu một bộ qui tắc có tính ràng buộc như hiện nay, khi họ làm gì tùy ý. Trung Quốc không muốn bất kỳ hạn chế nào ở Biển Đông. Những bằng chứng về xu thế này xuất hiện ngày càng nhiều và thường xuyên hơn.
Chuyên gia Nga Grigory Lokshin nói: "Nhìn chung, bộ qui tắc này (COC) sẽ có lợi hơn cho các nước ASEAN. Thế nhưng, giữa các nước ASEAN hiện chưa có sự nhất trí về nhiều chi tiết. Thí  dụ, về phạm vi hiệu lực địa lý của COC, Việt Nam cho rằng COC cần bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa. Còn Malaysia, Campuchia thì không tán thành…”  
Ông Lokshin nói tiếp, ngay cả khi được các bên thông qua, người ta cũng không nên đánh giá quá cao ý nghĩa của bộ Qui tắc ứng xử ở Biển Đông. COC không liên quan và không đụng chạm đến vấn đề chủ quyền. Về mặt lý thuyết, nó chỉ có thể tạo ra bầu không khí thuận lợi với sự tin cậy cao hơn. Sẽ có chí ít bước đi nào đó tiến về phía trước để bằng cách nào đó hạn chế Trung Quốc. Mà cũng chính vì thế nên Trung Quốc không quan tâm đến việc soạn thảo COC…Về bản chất sự việc, COC chỉ có thể được thông qua trong điều kiện cân bằng lực lượng tại khu vực.
Minh Châu (Theo Sputnik)