Trong các cuộc tranh chấp chủ quyền với Philippines và Việt Nam trên Biển Đông, Trung Quốc đã điều động tàu hải cảnh và các phương tiện bán quân sự khác. Tuy nhiên, tàu chiến hải quân, máy bay chiến đấu và các vũ khí khác vẫn được giữ ở xa nơi tranh chấp. Do đó cuộc đối đầu trên biển mới chỉ diễn ra giữa các tàu không vũ trang hoặc bán vũ trang.
|
Ngày 29/3, một tàu hải cảnh Trung Quốc chặn tàu Philippines tiếp tế cho các thủy thủ nước này ở bãi Cỏ Mây. |
Theo giáo sư James R. Holmes tại ĐH Chiến tranh hải quân Mỹ, các nhà lãnh đạo Mỹ phải hiểu rõ bản chất của tình trạng Biển Đông hiện nay, đối chiếu với mong muốn của Washington và xã hội Mỹ về khu vực này đồng thời huy động các nguồn lực – ngoại giao, hải quân (tàu chiến, máy bay), nhân lực, vân vân – để đem đến một kết cục có thể chấp nhận được.
Bản chất của tình trạng đối đầu chiến lược
Thực chất tình trạng đối đầu hiện nay trên Biển Đông là gì? Đó là quá trình ganh đua chiến lược dai dẳng giữa Trung Quốc và Mỹ nhằm trả lời câu hỏi liệu Bắc Kinh có thể đơn phương hành động nhằm thay đổi trật tự thế giới do Mỹ đứng đầu hay không.
Nếu thành công, Trung Quốc sẽ tạo ra một tiền lệ theo đó nước này sẽ chiếm các vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng được luật biển công nhận đồng thời hạn chế quyền tự do đi lại trên các vùng biển mà nước này kiểm soát. Trung Quốc sẽ biến các vùng biển ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á trở thành vùng biển khép kín chịu sự quản lý của luật pháp nước này. Điều đó cũng có nghĩa các mối quan hệ đồng minh của Mỹ trong khu vực sẽ bị nới lỏng.
Các nhà bình luận Trung Quốc coi vùng biển thuộc cái gọi là “bản đồ 9 đoạn” chiếm gần hết diện tích Biển Đông là “đất xanh của quốc gia” nơi Bắc Kinh “có chủ quyền không thể tranh cãi”.
Đưa chính sách về biển của nước này vào vấn đề chủ quyền – một khái niệm khơi dậy tinh thần dân tộc của cả các quan chức và dân thường – các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kích động cảm xúc dư luận mà sau này họ sẽ rất khó rút lui. Mặc dù giới lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ hoãn lại các kế hoạch khẳng định chủ quyền nếu đón nhận phản ứng mạnh mẽ từ các nước khác, nhưng khó có khả năng Bắc Kinh sẽ không từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình để tiến tới một bộ quy tắc ứng xử trên biển.
Vậy mục tiêu của Trung Quốc là gì?
Trung Quốc đang tham gia vào cuộc chạy đua chiến lược đối đầu với các đối thủ châu Á và Mỹ cùng một lúc. Các nhà ngoại giao Trung Quốc muốn tách biệt hai cuộc đua này với hi vọng họ sẽ ở thế vượt trội trong từng cuộc đua và ngăn chặn 2 đối thủ này liên kết với nhau chống lại nước này.
|
Tàu chiến USS Cowpens của Mỹ từng suýt bị tàu Trung Quốc đâm phải trên Biển Đông. |
Trong cuộc đối đầu với Mỹ, Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) bằng cách điều động máy bay chiến đấu, tên lửa chống tàu và các loại tàu có thể gây thương vong lớn cho các lực lượng Mỹ hoạt động ở châu Á khi có chiến tranh. Nói cách khác, Bắc Kinh muốn Washington phải “nhụt chí” đồng thời hạ thấp uy tín của Mỹ về cam kết với các đồng minh trong khu vực.
Về phần các đối thủ châu Á, Trung Quốc theo đuổi tham vọng kiểm soát các hòn đảo, vùng biển và vùng trời trong khu vực. Trung Quốc áp dụng chính sách “
sự đã rồi” đối với các vùng biển tranh chấp và dựa vào sức mạnh vượt trội để cản trở các đối thủ thách thức tham vọng của nước này. Thay vì sử dụng sức mạnh hải quân lớn mạnh nhanh chóng, Bắc Kinh sử dụng chiến thuật “nhẹ nhàng” bằng cách điều động tàu hải cảnh. Cho tới nay, có vẻ chiến thuật này của Trung Quốc đã có tác dụng.
Các phương án cho Mỹ
Đối mặt với chiến lược “nhiều mặt” này của Trung Quốc, Mỹ phải xác định liệu nước này có coi trọng các mối quan hệ đồng minh – cũng như mục tiêu đảm bảo cho tự do đi lại trên biển – để nỗ lực bảo vệ hay không.
Chi phí để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng có lẽ sẽ rất cao và việc đối đầu với đối tác thương mại chính đồng thời là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân (Trung Quốc) chắc chắn sẽ đem tới rủi ro và bất trắc. Nhiều nhà chiến lược khuyên các nhà lãnh đạo Mỹ không đi theo con đường này (đối đầu Trung Quốc) trừ phi Washington đạt được lợi ích chiến lược rất cao ở châu Á cũng như duy trì vị thế đứng đầu trong hệ thống quốc tế. Như các nhà bình luận thể thao thường nói, “thời gian sẽ trả lời”.
Giả định rằng Washington sẽ dấn thân ở châu Á – Thái Bình Dương, vậy làm sao để đánh bại chiến lược của Trung Quốc?
Trước tiên, Mỹ cần kiên quyết không để quốc gia nào lôi kéo vào một cuộc xung đột có vũ trang trên Biển Đông. Thay vào đó, Washington nên ủng hộ việc thực thi luật pháp trên vùng biển này.
Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển đưa ra định nghĩa về đảo và rất ít đảo trên Biển Đông có thể được coi là đảo theo định nghĩa đó. Ví dụ, một “hòn đảo” không có nước ngọt sẽ không thể duy trì sự sống hay các hoạt động kinh tế và do đó về mặt pháp lý không thể được coi là một hòn đảo. Quốc gia nào sở hữu “hòn đảo” đó sẽ chỉ có chủ quyền với 12 hải lý xung quanh chứ không có vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý. Các quốc gia Đông Nam Á nên khai thác tối đa tự do trên các vùng biển quốc tế và phớt lờ bản đồ “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh.
Washington nên khuyến khích các quốc gia châu Á đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế để xác nhận đâu là đảo, đâu là đảo san hô và đâu là mỏm đá. Mỹ sẽ thắng thế nếu các quốc gia châu Á có thể bảo vệ được vùng biển ở sát đất liền các nước này.
Thứ hai, cùng nhìn nhận vấn đề theo cách nhìn của Trung Quốc. Coi Biển Đông như một lãnh thổ và điều đó sẽ giúp sáng tỏ các vấn đề. Nếu nhìn nhận theo cách này, các ngư dân Trung Quốc đánh bắt trong vòng 200 hải lý từ bờ biển đảo Palawan sẽ bị coi là đánh bắt trộm tài nguyên thiên nhiên của Philippines giống như họ xâm nhập lên đảo. Các tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống tàu đánh cá được coi là lực lượng xâm lược bảo vệ những kẻ đánh bắt trộm. Đi theo cách tiếp cận này, Mỹ sẽ nhanh chóng đẩy Trung Quốc vào thế bị động.
Thứ ba, các lực lượng Hải quân và canh gác bờ biển Mỹ hoạt động ở châu Á phải “dấn thân” nhiều hơn, không nên chỉ dừng lại ở các hoạt động huấn luyện thông thường. Thay vào đó, các lực lượng Mỹ nên gia nhập vào các đội tàu hải quân và bảo vệ luật pháp của các đồng minh châu Á. Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ nên tham gia tuần tra tại các vùng biển ở khu vực này giống như các binh sĩ Mỹ tuần tra trên lãnh thổ các quốc gia NATO thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Philippines có lẽ sẽ không thể nào ngăn cản Trung Quốc tiếp cận vùng đặc quyền kinh tế do sức mạnh hải quân yếu kém. Tuy nhiên, nếu Mỹ tăng cường điều động lực lượng canh gác bờ biển và cả năng lực to lớn của Hải quân nước này tới Đông Nam Á, các quốc gia trong khu vực sẽ có cơ hội bảo vệ những quyền lợi chính đáng của các nước này.
Tùng Lâm