|
Tổng thống Obama đề cử cựu Thượng nghị sĩ Chuck Hagel làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
|
Theo Giáo sư khoa học chính trị Mỹ
Amitai Etzioni, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp tới sẽ phải đối mặt với
những quyết định chiến lược quan trọng sẽ ảnh hưởng đến trật tự thế giới
tương lai, với vấn đề tái cấu trúc quân đội và qui mô của ngân sách
quốc phòng Mỹ trong những thập kỷ tới. Một quyết định quan trọng nữa là
nên đối xử với Trung Quốc như một quốc gia mà quân đội Mỹ sẽ phải đối
đầu “chẳng sớm, thì muộn” hay như một một quốc gia mà Mỹ có thể cùng
“chung sống hòa bình”.
Có thể nói rằng việc chính quyền Obama quyết định chuyển trọng tâm đến
châu Á trong năm 2011 cho thấy một cuộc xung đột trong tương lai với
Trung Quốc là khó có thể tránh khỏi. Việc Tổng thống Obama loan báo Viễn
Đông là ưu tiên hàng đầu, khi sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông đang
giảm bớt… đang mở đường cho những lý giải khác nhau. Một số ý kiến cho
rằng đây là một tín hiệu rõ ràng cho thấy đã đến lúc chuyển các lực
lượng Mỹ đến Viễn Đông (tàu chiến, lính thủy đánh bộ…) để hình thành
liên minh quân sự với các nước láng giềng của Trung Quốc và tiến hành
các cuộc tập trận trong khu vực. Một số quan chức Lầu Năm Góc hối thúc
tăng cường ngân sách cho Không quân và Hải quân - các lực lượng vốn chỉ
đóng vai trò hỗ trợ cho Lục quân và Thủy quân lục chiến ở Trung Đông,
nhưng lại là nhân tố chiến lược hàng đầu trong bất kỳ hoạt động nào của
quân Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Họ nói rằng cái gọi là “trỗi
dậy hòa bình” của Trung Quốc đang thách thức “thế giới tự do”.
Một số ý kiến khác lại cho rằng việc coi Trung Quốc là “một mối đe dọa
toàn cầu” là sai lầm nghiêm trọng, có khả năng tạo ra một kẻ thù nguy
hiểm tiềm tàng. Nhà khoa học chính trị Joe Samuel Nye Jr (cựu Hiệu
trưởng Trường Quản lý Kennedy thuộc Đại học Havard) nói: “Nếu coi Trung
Quốc là một kẻ thù, chúng ta chắc chắn sẽ có một kẻ thù trong tương lai.
Nếu coi Trung Quốc là bạn, chúng ta không chắc đảm bảo được tình bạn.
Nhưng ít nhất chúng ta có thể mở ra khả năng dẫn đến những kết quả tốt
lành hơn”.
Vậy quan điểm của ông Chuck Hagel, người đã dược Tổng thống Obama đề cử vào chức Bộ trưởng Quốc phòng, như thế nào?
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Robert Nolan của PBS, ông Hagel
không quá lo lắng trước thực tế nền kinh tế Trung Quốc phát triển với
tốc độ chóng mặt. Ông nói: “Trung Quốc sẽ trỗi dậy và phát triển. Nếu
quả là như vậy, chúng ta nên hoan nghênh điều đó. Họ sẽ là đối thủ cạnh
tranh (của Mỹ) như Ấn Độ, Brazil và các nước khác. Ổn định, an ninh, các
nguồn năng lượng, tài nguyên và nguồn nhân lực là những gì mà chúng ta
có để phát triển thịnh vượng và người Trung Quốc cũng vậy”.
Chuck Hagel cho rằng Trung Quốc đang phải phải đối mặt với những thách
thức lớn trong nước vốn hạn chế những gì mà nước này có thể làm ở nước
ngoài. Ông nêu rõ: “Người Trung Quốc có những vấn đề to lớn hơn. Họ đã
có những vấn đề rất lớn, xuất phát từ thực tế Trung Quốc có 1,3 tỷ người
và hàng trăm hàng triệu người sống trong cảnh nghèo đói. Họ có vấn đề
về năng lượng và đang tìm cách sống chung với vấn đề này ... Họ hiện có
một sức mạnh to lớn và họ sẽ tiếp tục là một quyền lực lớn. Nhưng chúng
ta không nên co mình lại trước sự trỗi dậy đó. Chúng ta cũng không nên
lo lắng rằng họ (Trung Quốc) sẽ cướp chỗ của chúng ta trên thế giới”.
Trên hết, Hagel cảm thấy hài lòng về nước Mỹ: “Tôi không lo lắng gì về
đất nước này nếu chúng ta tiếp tục làm những điều khôn ngoan, những điều
thông minh. Chúng ta đang dẫn đầu thế giới, chúng ta không ra lệnh cho
thế giới, không áp đặt cho thế giới. Chúng ta không can thiệp ở khắp mọi
nơi và không xâm lược, chiếm đóng. Chúng ta sẽ làm việc với các nước
đồng minh và làm những gì Eisenhower, Truman, Marshall và tất cả những
nhà lãnh đạo khôn ngoan khác đã làm sau Chiến tranh thế giới thứ hai”.
Do đó, không còn nghi ngờ gì nữa về quan điểm của Chuck Hagel về vấn đề
quan trọng này. Đối với Trung Quốc, ông ta là “bồ câu” và người ta có
thể giả định rằng ông sẽ giúp Tổng thống Obama kiềm chế những “diều hâu”
ở Lầu Năm Góc vốn coi Trung Quốc là một đối thủ nguy hiểm và đang vô
tình đẩy nước Mỹ đến một cuộc Chiến tranh Lạnh (nếu không muốn nói là
một cuộc chiến tranh nóng) với Trung Quốc.
Giáo sư Amitai Etzioni từng là cố vấn cao cấp của Tổng thống Jimmy
Carter, từng giảng dạy tại Đại học Columbia, Đại học Harvard
và Đại học California. Ông là một giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học
George Washington.
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:
Lê Chân (theo The National Interest)