Ngày 5/6, Ả-rập Xê-út, Bahrain, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar sau khi cáo buộc Doha ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Sau đó, các nước này đã cấm vận tất cả các tuyến đường biển, đường không và đường bộ đến Qatar.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Rex Tillerson bất đồng quan điểm về cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh. Ảnh: Al Arabiya |
Hôm 23/6, bốn nước Arập đã đưa ra 13 yêu sách đối với Qatar, trong đó có cắt giảm quan hệ với Tehran, ngừng hợp tác quân sự với Ankara và đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera. Không lâu sau đó, Doha nói rằng các yêu sách nói trên là không khả thi.
Vai trò của Mỹ trong khủng hoảng Vùng Vịnh
Ông Allen Keiswetter, một học giả tại Viện Trung Đông và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nói với Sputnik rằng cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh đang diễn ra không phải là cuộc khủng hoảng đầu tiên xảy ra giữa Qatar và các nước láng giềng. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng lần này có thể chịu tác động của chuyến công du Trung Đông gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump và các cuộc họp của ông Trump với các nhà lãnh đạo của Hội đồng Hợp tác Vịnh (GCC).
Vấn đề ở chỗ là trên Twitter, Tổng thống Donald Trump đã công khai ủng hộ Ả-rập Xê-út và ít nhất những tuyên bố này càng làm tăng thêm giả thiết về việc có sự liên đới nào đó giữa GCC và các đồng minh chống Qatar với “chuyến thăm của Tổng thống Mỹ ".
Đồng thời, học giả Keiswetter cũng nói rằng Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có nỗ lực cân bằng để giải quyết cuộc khủng hoảng, khác với lập trường chính thức của Nhà Trắng. Ông Keiswetter dẫn lời Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng yêu sách của các nước Arập đối với Doha là "hơi cứng rắn".
Điều này cho thấy có sự khác biệt giữa Nhà Trắng vốn ủng hộ Ả-rập Xê-út và UAE với cách tiếp cận cân bằng hơn được Ngoại trưởng Tillerson ủng hộ. Ông Tillerson có rất nhiều kinh nghiệm với Qatar và đây có thể là cách tiếp cận khôn ngoan liên quan đến các cuộc đàm phán trung gian của Kuwait được Mỹ hỗ trợ.
Học giả Risk Imad, nhà sáng lập kiêm tổng giám Viện Nghiên cứu Chiến lược và Truyền thông Isticharia (ISCS) ở Lebanon, cũng tán đồng ý kiến của học giả Allen Keiswetter . Ông Imad nói: “Chúng ta đã chứng kiến những quan điểm hoàn toàn khác nhau giữa Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Lầu Năm Góc trên truyền thông ở Trung Đông. Chúng ta có thể thấy rõ rằng một số người ở Mỹ vẫn ủng hộ Qatar, còn một người khác quyết định ủng hộ Ả-rập Xê-út”.
Hậu quả tai hại
Về triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh hiện nay, học giả Keiswetter cho rằng Kuwait sẽ tiếp tục các nỗ lực hòa giải.
Học giả Keiswetter nói: "Để vượt qua cuộc khủng hoảng tương tự vào năm 2014, phải mất 9 tháng để Qatar đạt được thỏa thuận thông qua trung gian hòa giải Kuwait. Tôi tin rằng kịch bản khả thi là Kuwait sẽ tiếp tục các nỗ lực hòa giải và GCC sẽ nhận ra rằng họ có nhiều điểm chung hơn. Tôi không thể nghĩ đến bất cứ điều gì khác có thể làm cho người Iran cảm thấy hạnh phúc hơn so với những chia rẽ trong GCC ". Đồng thời ông cũng nói rằng Qatar không thể đáp ứng tất cả yêu cầu của các quốc giaVùng Vịnh, vì Doha cũng có những lợi ích riêng muốn bảo vệ.
Cách tiếp cận của học giả Imad đối với việc giải quyết cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh bi quan hơn, vì ông hy vọng rằng sự chia rẽ giữa Qatar và các nước láng giềng sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế và các cuộc chiến ủy nhiệm trong khu vực.
Học giả Imad chia sẻ: "Tôi lo ngại rằng sự chia rẽ mới này trong GCC và Trung Đông sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế và các cuộc chiến ủy nhiệm giữa hai phe. Các phe sẽ tiếp tục hỗ trợ các tổ chức khủng bố trực thuộc để thực hiện các cuộc tấn công lẫn nhau. Cũng có thể xuất hiện mưu toan đảo chánh và một số cuộc đối đầu thực sự tương tự như những gì chúng ta đã thấy ở Yemen và Syria. Chúng ta đang nói về một tình huống bất ổn kéo dài và dàn xếp ngoại giao chỉ là bước đầu tiên ". Ông nói thêm rằng những diễn biến gần đây trong khu vực là một dấu hiệu chuẩn bị cho một cuộc xung đột lớn hơn có thể làm đảo lộn trật tự khu vực cũng như hệ thống thương mại quốc tế hiện hành.
Minh Châu (Theo Sputnik News)