Nhà Trắng sẽ đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo các nước Châu Á-Thái Bình Dương trong năm tới, giữa lúc Mỹ tiếp tục nỗ lực gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng trong khu vực này. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chiến lược “xoay trục” sang Châu Á của chính quyền Obama sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong lúc tìm cách tăng cường quan hệ với khu vực này mà không làm gia tăng những mối căng thẳng với Trung Quốc.
|
Tổng thống Barack Obama tuyên bố Mỹ phải kết nối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. |
Theo thông tín viên của đài VOA, Tổng thống Barack Obama tuyên bố
Mỹ phải kết nối với khu vực
Châu Á-Thái Bình Dương. Ông nói: "Châu Á- Thái Bình Dương vô cùng quan trọng cho việc tăng cường an ninh, thịnh vượng và phẩm giá của con người trên khắp thế giới. Đó chính là lý do tại sao tôi bỏ ra rất nhiều công sức trong chính sách đối ngoại để gia tăng thêm nữa sự giao thiệp của Mỹ với khu vực này".
Trong một cố gắng để củng cố vị thế lãnh đạo của Mỹ ở Châu Á -Thái Bình Dương, Tổng thống Obama đã đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo khu vực tại Nhà Trắng và gặp gỡ các nhà lãnh đạo khác trong nhiều nhiều chuyến viếng thăm Châu Á.
Nhưng mục tiêu của Mỹ nhằm xây dựng một khu vực Châu Á- Thái Bình Dương hoà bình và thịnh vượng cũng còn tùy thuộc rất nhiều vào quốc hội và vấn đề quốc hội có phê chuẩn Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm 2016 hay không. Hiệp định thương mại qui mô lớn này đang gặp phải sự chống đối khá mạnh tại Quốc hội Mỹ.
Ông Christopher Johnson, một nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho rằng TPP không chỉ liên quan tới vấn đề kinh tế, thương mại. Ông giải thích: "Đối với hầu hết các nước Châu Á, kinh tế chính là an ninh".
Ông Marc Noland, một nhà nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông cũng sẽ tiếp tục là một thách thức lớn: "Những yêu sách chủ quyền và những hành động khác của Trung Quốc đã tạo ra sự lo lắng cho nhiều người ở những nước nhỏ hơn trong khu vực, cho nên họ hoan nghênh sự có mặt của Mỹ. Nhưng đồng thời họ cũng không muốn bị lôi kéo vào những vụ đối đầu Mỹ-Trung Quốc".
Nhà phân tích Johnson cho rằng Mỹ cần phải hành xử một cách thận trọng: "Có thể nói hành động cân bằng này sẽ là cân bằng giữa hai mục tiêu: một bên là tìm cách trấn an các đối tác và các đồng minh trên khắp Châu Á, nhất là Đông Nam Á, rằng Mỹ có mặt ở đó, duy trì những cam kết về đồng minh quân sự trước những hoạt động mỗi ngày một ráo riết hơn của Trung Quốc trong khu vực. Đồng thời, không làm cho Trung Quốc nghĩ rằng đây là một chiến lược bao vây để tìm cách gây thiệt hại cho quyền lợi của Trung Quốc trong khu vực".
Mỹ đã cam kết giúp đỡ các nước Đông Nam Á tăng cường khả năng phòng vệ biển và yêu cầu Trung Quốc ngừng xây đảo nhân tạo, ngừng xây dựng những công trình mới trên đó và ngừng quân sự hóa những khu vực có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Ông Johnson nói an ninh mạng cũng sẽ tiếp tục là một vấn đề dễ gây mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington tin rằng Bắc Kinh dính líu tới nhiều hoạt động gián điệp mạng nhắm vào chính phủ và doanh nghiệp Mỹ. Trung Quốc bác bỏ cáo giác đó.
Về vấn đề này, nhà phân tích Johnson nhận định: "Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy nhiều áp lực chính trị hơn đối với chính phủ Obama, đòi họ trừng phạt những kẻ hưởng lợi từ hoạt động gián điệp mạng. Một khi điều đó xảy ra, Trung Quốc có chắc chắn sẽ trả đũa".
Sau chuyến công du Đông Nam Á hồi tháng trước, Tổng thống Obama cho biết quan hệ của Mỹ với khu vực này sẽ được tăng cường hơn nữa và 10 nhà lãnh đạo các nước ASEAN sẽ đến thăm Nhà Trắng trong năm 2016.
Minh Châu (TH)