Trên thực tế, kể từ khi Mỹ thực hiện chiến lược trở lại Châu Á – Thái Bình Dương thì cục diện này càng rõ rệt.
Mỹ thực hiện chiến lược “Liên hoành” từ đông sang tây, kéo dài Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á sang Ấn Độ Dương và tới tận Morocco bao vây Trung Quốc. Trong khi đó,Trung Quốc thực hiện chiến lược “Hợp tung” theo chiều bắc – nam liên minh với Nga và các nước SNG lập ra Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), rồi mở rộng xuống Pakistan, Bangladesh, Myanmar chống lại thế “Liên hoành” của Mỹ.
Kể từ khi thực hiện chiến lược trở lại châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ đã tỏ ra “lấn át” hơn so với Trung Quốc. Vì vậy, uy tín và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực ngày càng tăng trong khi uy tín và ảnh hưởng của Trung Quốc suy giảm, nhất là đối với các nước láng giềng. Tờ “Nam Dương Thời báo” của Malaysia vừa qua bình luận: "Chiến lược trở lại châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ thời gian qua tương đối thành công. Một mặt do tính toán chiến lược của Mỹ, nhưng cũng có nguyên nhân quan trọng do thái độ ứng xử và lập trường thô bạo, thiếu thiện chí của Trung Quốc đối với các nước láng giềng gây ra.”
|
Tập Cận Bình thăm Indonesia. |
Báo chí Trung Quốc cho rằng, Mỹ chẳng những phá vỡ thế cờ chiến lược của Trung Quốc trong khu vực, mà còn lập được một phòng tuyến hình vòng cung trên chuỗi đảo thứ nhất từ Nhật Bản, Hàn Quốc tới Đài Loan, Australia, Philippines xuống Đông Nam Á vòng qua Ấn Độ Dương tới tận Morocco bao vây Trung Quốc.
Mối quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn Quốc, Mỹ - Australia trở nên gắn bó hơn và sự hiện diện của quân Mỹ ở ba nước này cũng theo đó tăng lên.
Mạng tin “Đa chiều” ngày 10/8/2013 bình luận: “Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chiếm 60% dân số thế giới và 50% GDP toàn cầu, nếu nước nào không tranh thủ được thì sẽ bị đào thải. Bởi vậy, Mỹ đã hết sức tranh thủ tăng uy tín và ảnh hưởng của mình”. Chủ trương của Mỹ hiện nay là: “Củng cố và tăng cường thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đồng minh nòng cốt với Nhật, Hàn, Đài Loan, Australia, Philippines, Thái Lan, đồng thời tranh thủ xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước Ấn Độ, Singapore, Indonesia, đồng thời mở rộng hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện với các nước khác, như Myanmar, Việt Nam, lôi kéo thêm các nước có quan hệ thân thiết với Trung Quốc như Campuchia, Triều Tiên từ đó hình thành bố cục “Liên hoành” vững chắc bao vây Trung Quốc. Chính vì vậy mà ngay sau khi đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, Obama liền sang thăm Thái Lan, Myanmar và Campuchia (từ 17/11 – 20/11/2012) để khẳng định chính sách “Trở lại châu Á – Thái Bình Dương” của Mỹ.
Nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh APEC họp ở Bali, Indoneia (từ 7-8/10/2013), Trung Quốc mở một chiến dịch “ngoại giao Nam Tiến” xuống khu vực ASEAN để tranh thủ và phá vỡ thế “Liên hoành” của Mỹ. Dân số của ASEAN hiện tới hơn 600 triệu người và GDP tới trên 2.200 tỉ USD. Đây là một thị trường lớn và có nền kinh tế năng động nhất thế giới và khu vực mà hầu như nước lớn nào cũng muốn tranh thủ.
Dư luận cho rằng, trong lịch sử ngoại giao của Trung Quốc, hiếm có trường hợp cùng một lúc cả hai lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc là Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đều công du xuống phía Nam.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Indonesia từ 2/10 tới 3/10/2013, tiếp đó ông thăm Malaysia từ 4/10 tới 6/10/2013 và trở lại Indonesia tham dự Hội nghị thượng đỉnh không chính thức APEC lần thứ 21 vào ngày 7/10/2013. Đây là lần thứ 4 ông Tập Cận Bình có chuyến công du nước ngoài kể từ tháng 3/2013 khi ông lên làm Chủ tịch nước. Hội nghị APEC là cơ hội để Trung Quốc nâng cao hình tượng quốc tế của mình với các nước thành viên APEC và ASEAN trong khi hình ảnh Mỹ bị lu mờ do Tổng thống Obama hủy bỏ chuyến đi Châu Á này do nội bộ lục đục.
Tiếp ngay sau Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng có chuyến đi tới Brunei tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN – Trung Quốc (10 +1) lần thứ 16 và Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN + 3 (ASEAN – Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 8, đồng thời tiến hành thăm các nước Brunei, Thái Lan, Việt Nam từ ngày 9/10 tới 15/10/2013.
Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm 4 nước ASEAN từ 30/4/2013 tới 5/5/2013, gồm Thái Lan (30/4 – 1/5), Indonesia (1/5-2/5), Singapore (2/5-3/5) và Brunei (3/5 -5/5). Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Vương Nghị khi giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và cũng là lần đầu tiên sau 15 năm Ngoại trưởng Trung Quốc lấy ASEAN làm điểm đến đầu tiên sau khi làm Ngoại trưởng. Sau chuyến thăm 4 nước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn có chuyến thăm Việt Nam và Campuchia vào tháng 8/2013.
Dư luận các nước cho rằng, chính những lục đục trong nội bộ Mỹ, Tổng thống Obama hủy bỏ chuyến thăm châu Á và khuyết tịch trong Hội nghị APEC, nên đã tạo điều kiện cho Trung Quốc “tỏa sáng” trong Hội nghị APEC và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Vì vậy, thời gian tới ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực này sẽ tăng lên, vị thế và hình tượng quốc tế được cải thiện đáng kể. Nếu tình hình nội bộ Mỹ tiếp tục lục đục thì Trung Quốc sẽ là nước được “hưởng lợi” lớn nhất trong khu vực này thời gian tới.
Kiều Tỉnh