Chiến lược “Hai gọng kìm” kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Mỹ theo đuổi chiến lược “Hai gọng kìm” kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông: tăng cường hiện diện và củng cố quan hệ đồng minh với các nước trong khu vực.

Mới đầu tháng này, Lầu Năm Góc đã công bố báo cáo về hoạt động xây, đắp đảo trái phép của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Trung Quốc đã cải tạo trái phép khoảng 810 hecta bãi đá ngầm kể từ đầu năm 2014 đến nay.
Chien luoc “Hai gong kim” kiem che Trung Quoc o Bien Dong
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Trung Quốc đã cải tạo trái phép khoảng 810 hecta bãi đá ngầm kể từ đầu năm 2014 đến nay. 
Cụ thể, năm 2014, Trung Quốc đã cải tạo khoảng 200 hecta bãi đá ngầm tại 5 tiền đồn ở quần đảo Trường Sa. Từ đầu năm 2015 đến nay, Trung Quốc cố cải tạo thêm 610 hecta bãi đá ngầm nữa.  
Như vậy, so sánh giữa hai năm có thể thấy tốc độ cải tạo các bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo của Trung Quốc càng lúc càng gấp rút, với quy mô ngày càng mở rộng hơn bất chấp sự phản đối của Mỹ và các nước trong khu vực.
Lầu Năm Góc nhận định, có nhiều khả năng cho thấy “Trung Quốc đang cố gắng thay đổi nguyên trạng bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng ở Biển Đông”. Bên cạnh đó, nhiều nước khác đã cáo buộc Trung Quốc cải tạo đảo trái phép nhằm tạo ra những hòn đảo nhân tạo với tiềm năng sử dụng cho mục đích quân sự.
Mỹ đương nhiên không khoanh tay đứng nhìn sự việc tiếp tục diễn ra theo cách như vậy, bởi vì Washington từng tuyên bố, họ muốn đảm bảo sự tự do hàng hải ở Biển Đông trong bối cảnh những cuộc tranh chấp ở đây đang bùng lên dữ dội.
Chien luoc “Hai gong kim” kiem che Trung Quoc o Bien Dong-Hinh-2
Tàu chiến USS Fort Worth của Mỹ  luân phiên đồn trú ở Singapore.
Nói cách khác, Biển Đông gắn liền với lợi ích của nước Mỹ, và chiến lược của Mỹ trên khu vực Biển Đông chính là việc tiến hành song song hai chiến thuật: một là tăng cường sự hiện diện, từ đó nâng tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực Biển Đông; hai là thắt chặt quan hệ với các đồng minh ở khu vực này để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.
Mỹ gia tăng hiện diện, Biển Đông “nóng lên từng ngày”  
Ngày 12/5, giới chức Mỹ tuyên bố, Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch tiến hành tuần tra bằng máy bay quân sự quanh các đảo mà Trung Quốc tiến hành cải tạo ở quần đảo Trường Sa. Theo Sputnik News, động thái này của Mỹ cho thấy căng thẳng trên Biển Đông đang “nóng lên từng ngày”.
Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng rằng việc mình cải tạo các bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo là hợp pháp vì các bãi đá này “nằm trong lãnh thổ” của Trung Quốc. Tuy nhiên theo Sputnik News, những lời lẽ ấy dường như không thuyết phục được Washington.
Quan chức Lầu Năm Góc đã tiết lộ rằng, Mỹ sẽ sớm điều máy bay quân sự và tàu hải quân đến khu vực để đảm bảo tự do hàng hải xung quanh các bãi đá nói trên.
Cùng ngày 12/5, Hải quân Mỹ cũng ra thông cáo cho biết tàu Fort Worth của lực lượng này đã tới vịnh Subic, Philippines để tiếp dầu, sau một tuần đi tuần tra ở vùng biển và không phận quốc tế gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.  
Chien luoc “Hai gong kim” kiem che Trung Quoc o Bien Dong-Hinh-3
Tàu USS Fort Worth của Mỹ hôm 11/5 tuần tra ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông, khi tàu khu trục tên lửa dẫn đường Yancheng (FFG 546) đi gần phía sau. (Ảnh: US Pacific Fleet) 
Tàu Fort Worth đã nhiều lần đi qua Biển Đông, nhưng cuộc tuần tra này đánh dấu lần đầu tiên một tàu tác chiến ven biển (LCS) hoạt động ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa.
Trên trang navy.mil, Fred Kacher, quan chức hải quân thuộc Liên đội Tàu khu trục 7 khẳng định, kể từ bây giờ tàu LCS sẽ  hiện diện thường xuyên ở khu vực Đông Nam Á.
Việc tàu Fort Worth hoạt động ở vùng biển gần Trường Sa đã tạo nên một thông lệ mới. Dự kiến, vào năm tới, Mỹ sẽ cử thêm 4 tàu LCS đến hoạt động ở khu vực này, ông Kacher nói. Ông Kacher đồng thời nhấn mạnh, việc Mỹ cử nhiều tàu LCS đến Đông Nam Á chứng tỏ tầm quan trọng ngày càng gia tăng của “khu vực đang trỗi dậy” này.
Wall Street Journal cho biết, trong thực tế, máy bay quân sự Mỹ đã liên tục tiếp cận khu vực 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và cho cải tạo, xây dựng. Tuy nhiên, máy bay quân sự Mỹ vẫn còn giữ khoảng cách với các đảo nhân tạo do Trung Quốc cải tạo để tránh việc căng thẳng bị đẩy lên cao.
Mỹ tạo liên minh ở Biển Đông
Hơn 11.000 lính của Mỹ và Philippines hôm 20/4 đã  khởi động cuộc tập trận chung mang tên Balikatan (Vai kề vai), kéo dài 10 ngày. Việc tăng gấp đôi quân số diễn tập là dấu hiệu tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước, theo Inquirer.
Cuộc diễn tập đổ bộ xuất phát từ căn cứ hải quân gần Biển Đông, chỉ cách bãi cạn Scaborough tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc hơn 200 km. Hai bên cũng sẽ tập bắn đạn thật và cứu trợ thảm họa ở các trại lính bên ngoài Manila.  
 
Chien luoc “Hai gong kim” kiem che Trung Quoc o Bien Dong-Hinh-4
Binh sĩ Mỹ-Philippines tham gia tập trận chung. 
Cuộc tập trận chung Balikatan là một phần trong sáng kiến quân sự mới của Mỹ mang tên Pacific Pathways – sáng kiến này liên quan đến một loạt các cuộc tập trận xuyên châu Á-Thái Bình Dương trong đó Mỹ triển khai thêm quân, tàu chiến và máy bay tới khu vực này.
Washington tuyên bố, kế hoạch Pacific Pathways sẽ giúp Mỹ thiết lập sự hiện diện “bán lâu dài” của Mỹ ở khu vực châu Á, bao gồm 29 cuộc tập trận ở 12 quốc gia trong khu vực trong 5 năm tới.
Đợt diễn tập chung giữa Mỹ và Philippines diễn ra chỉ vài ngày sau khi Philippines thúc giục Mỹ có những động thái “thực chất” hơn để đối phó với sự bành trướng nhanh chóng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bên cạnh việc tập trận chung với Mỹ, Philippines cũng tiến hành tập trận chung với cả Nhật Bản. Ngày 12/5, các tàu chiến của Nhật và Philippines  đã tham gia cuộc tập trận chung kéo dài một ngày.
Theo thông báo chính thức từ Nhật và Philippines, cuộc tập trận ngày 12/5 được tiến hành nhằm nâng cao khả năng phối hợp tác chiến của hải quân hai nước. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định đây là tín hiệu mạnh mẽ gửi đến Trung Quốc, AFP cho biết.  
Trả lời AFP, GS Michael Tkacik tại ĐH Stephen F. Austin ở bang Texas (Mỹ) nhận định, cuộc tập trận Nhật-Philippines nhằm chứng tỏ các nước láng giềng của Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương đã bắt đầu liên minh chống lại Trung Quốc.
Vào tháng 3/2015, Phó đô đốc Robert Thomas thuộc Hạm đội 7 của Mỹ kêu gọi các nước ASEAN cùng nhau tuần tra chung trên khu vực Biển Đông. Nhật Bản và Philippines đều hưởng ứng nhiệt tình lời đề nghị này của Mỹ.
Phó Đô đốc Hải quân Philippines Jesus C. Millan khẳng định "Chúng tôi có thể ủng hộ việc này nếu mục đích của nó là bảo vệ sự ổn định và tự do hàng hải trong nước và quốc tế".
Sputnik News dẫn lời, một nguồn tin giấu tên trong chính quyền Nhật nói: “Chúng ta phải cho Trung Quốc thấy họ không sở hữu vùng biển mà không thuộc về họ”.
Trung Quốc đối phó
Trong cuộc hội đàm trực tuyến giữa Tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi với Tham mưu trưởng hải quân Mỹ Jonathan Greenert hôm 29/4, tướng Ngô khẳng định hoạt động xây dựng trên các đá ở Biển Đông “không ảnh hưởng đến tự do đi lại trên biển và trên bộ”. Đồng thời Trung Quốc cũng ngỏ ý mời Mỹ cùng sử dụng các đảo nhân tạo
Theo Wall Street Journal, lời phát ngôn trên được một tướng lĩnh cao cấp Trung Quốc nói ra cho thấy động thái “hòa hoãn bất thường” của Bắc Kinh. Theo các nhà quan sát, hành động này của Trung Quốc nhằm hy vọng có thể xoa dịu được sự giận dữ đối với hoạt động xây dựng trái phép ở các bãi đá trên Biển Đông.   
Chien luoc “Hai gong kim” kiem che Trung Quoc o Bien Dong-Hinh-5
Tư lệnh Hải quân Trung Quốc  Ngô Thắng Lợi. 
Tuy nhiên, đề nghị của Trung Quốc không những không làm dịu đi mối quan ngại của Mỹ và khu vực mà còn khiến Mỹ cứng rắn, kiên quyết hơn. Washington đã thẳng thừng khước từ đề nghị của đại diện quân đội Trung Quốc.
Hôm 1/5, ông Jeff Rathke, quyền phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, khẳng định các hoạt động xây đảo của Trung Quốc tại Biển Đông không đóng góp gì cho hòa bình ở khu vực.
Ngày 13/5, Channel NewsAsia cũng dẫn lời một quan chức Mỹ nói: “Dù Trung Quốc có đổ bao nhiêu cát lên các bãi đá này (để biến chúng thành các đảo nhân tạo) thì điều này cũng không giúp củng cố việc nước này tuyên bố chủ quyền đối với các bãi đá nói trên. Một nước không thể tuyên bố chủ quyền với những gì mà họ bồi đắp trái phép”.
Bên cạnh đó, giới quân sự và học giả Mỹ đều chung nhận định hoạt động xây đảo của Trung Quốc, đặc biệt là đường băng dài 3.000 m trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, là “ý đồ” của Trung Quốc nhằm tiến tới đơn phương thiết lập vùng nhận diện phòng không ADIZ bất hợp pháp, từ đó tăng cường sức mạnh quân sự ở đây.
Mới đây ngày 13/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh vẫn lớn tiếng tiếp tục tuyên bố khu vực mà Trung Quốc cải tạo, xây dựng trên Biển Đông thuộc chủ quyền nước này, và Bắc Kinh không làm điều gi sai trái.
Nhắc đến dự định Mỹ sẽ đưa máy bay quân sự và tàu chiến đến gần các bãi đá mà Trung Quốc đang cải tạo, bà Hoa Xuân Doanh đã nói với các phóng viên rằng: “Tự do hàng hải không có nghĩa là các tàu và máy bay quân sự nước ngoài có thể tự do ra vào hải phận và không phận của một nước khác”, đồng thời bà Doanh cũng kêu gọi các bên liên quan “hành động cẩn trọng” và “không nên có hành vi khiêu khích”.
Chưa ai rõ trong tương lai chiến lược “hai gọng kìm” của Mỹ có phát huy tác dụng hay không, hay là Mỹ cần thêm các biện pháp mạnh hơn nữa để thực sự kiềm chế được “tham vọng” phi lý của Trung Quốc.
Theo VOV.VN