Chiến lược chống IS của Mỹ: Manh mún, thiếu minh bạch

Google News

(Kiến Thức) - Trong khi chiến dịch không kích của Nga tiếp diễn  ở Syria, phương Tây  dần nhận ra rằng chiến lược chống IS của Mỹ là manh mún, thiếu minh bạch.

Đó là nhận định của hai nhà phân tích người Mỹ Robbin Laird và Ed Timperlake đăng trên trang mạng Breaking Defense. Tiến sĩ  Robbin F. Laird là một nhà phân tích kỳ cựu về các vấn đề quân sự toàn cầu, từng làm việc cho chính phủ Mỹ và nhiều tổ chức tư vấn như  Trung tâm Phân tích Hải quân (Center for Naval Analysis) và  Viện Phân tích Quốc phòng (Institute for Defense Analysis).
Chien luoc chong IS cua My: Manh mun, thieu minh bach
Tiến sĩ  Robbin F. Laird (trái) là một nhà phân tích kỳ cựu về các vấn đề quân sự toàn cầu, từng làm việc cho chính phủ Mỹ và nhiều tổ chức tư vấn.
Theo hai nhà phân tích Robbin Laird và Ed Timperlake, Mỹ đã chỉ trích chiến dịch không kích của Nga ở  Syria,  kể từ khi nó bắt đầu vào ngày 30/9/2015. Nhưng ngay từ đầu, Nga đã hành động phù hợp với luật pháp quốc tế và  theo yêu cầu  của chính phủ hợp pháp ở Syria.
Mỹ hiện không ở vào vị thế có thể dạy người khác về đạo lý. Vụ ném bom vào Tổ chức Bác sĩ không biên giới  tại một bệnh viện ở Kunduz và vụ tờ The Intercept tiết lộ về thương vong dân thường của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã làm giảm sút đáng kể uy tín của Mỹ ở nước ngoài.
Ngoài việc mất uy tín về đạo đức,  chiến lược chống IS của Mỹ đã chứng tỏ là manh mún, lộn xộn, thiếu minh bạch  và không hiệu quả. Hai nhà phân tích Robbin Laird và Ed Timperlake viết:  “So sánh với chiến lược của Nga ở  Syria,  chiến lược của Mỹ là không rõ ràng và việc sử dụng  quân đội Mỹ để hỗ trợ chiến lược rời rạc manh mún này đã bộc lộ khá nhiều nhược điểm.  Có những giới hạn rõ ràng trong việc sử dụng công nghệ UAV trừ những trường hợp đặc biệt, cụ thể là chiếm lĩnh được không phận và có mục đích chiến lược rõ ràng”.
Sự manh mún không rõ ràng này không chỉ biểu hiện qua chiến lược quân sự của Lầu Năm Góc, mà còn hiện hữu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Obama. Hành động quân sự của Nga đã bộc lộ những nhược điểm chiến lược của chính quyền Obama, trong đó có việc chọc tức  Israel  và tiến hành một chiến dịch không kích “rất yếu kém, nặng về phô trương”.
Hai nhà phân tích Laird và Timperlake cũng chỉ ra rằng phương Tây đã vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc: “(Tổng thống) Putin đang ủng hộ một chính phủ hiện hữu, chính phủ của Assad. Mọi người nên nhớ rằng ưu tiên trong Hiến chương LHQ là hỗ trợ chính phủ hợp pháp và việc Nga coi các cuộc không kích của phương Tây ở Syria là bất hợp pháp theo Hiến chương Liên Hợp Quốc không có gì là quá đáng. Hành động hỗ trợ (chế độ) Assad của Nga cũng phơi bày sự thiếu minh bạch của ‘bên kia’ (phương Tây), khi hỗ trợ một mớ hỗn độn bao gồm các đối thủ của ông Assad:  từ ISIL đến các đối thủ thực sự chính đáng”.
Theo hai nhà phân tích nói trên, việc hỗ trợ chính phủ hợp pháp là chìa khóa của thành công:  "Với một lực lượng quân sự trên mặt đất, cụ thể là  người của (Tổng thống) Assad, và hỗ trợ chính phủ Syria hợp pháp, không quân Nga có thể dựa vào các lực lượng Syria để  tìm kiếm và xác định mục tiêu ...Điều quan trọng là việc đề ra một chiến lược rõ ràng cũng như các vũ khí khí tài được sử dụng”.  
Hai ông Robbin Laird và Ed Timperlake  kết luận:  Nếu muốn duy trì bất kỳ ảnh hưởng nào trong cuộc xung đột ở Syria,  chính quyền Obama cần xét lại các ưu tiên và nói:  “Chính quyền Obama phải thừa nhận rằng  thời thế  đã đổi thay  và các phương pháp chống nổi dậy mà Mỹ từng theo đuổi trong thập kỷ qua ... là đã lỗi thời”.
Minh Châu (Theo Sputnik News)