Chìa khóa giải quyết vấn đề Triều Tiên nằm ở Nga?

Google News

(Kiến Thức) - Chìa khóa giải quyết vấn đề Triều Tiên nằm ở Nga, nhưng thật không may, các nhà hoạch định chính sách ở Washington lại nhắm mắt trước thực tế này.

Đó là nhận định của nhà phân tích Leonid Bershidsky, trong một bài viết đăng trên trang mạng Bloomberg ở Mỹ.
Chia khoa giai quyet van de Trieu Tien nam o Nga?
Trong những năm gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xây dựng được mối quan hệ khá gần gũi với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh ghép: CNN.com 
Theo nhà phân tích Leonid Bershidsky, một trong những vấn đề chính sách đối ngoại lớn nhất của Mỹ là vấn đề Triều Tiên và Washington không thể giải quyết được vấn đề này, nếu không có sự can dự của Nga. Trong những năm gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xây dựng được mối quan hệ khá gần gũi với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tháng 5/2014, chưa đầy hai tháng sau khi sáp nhập Bán đảo Crimea và bị các quốc gia phương Tây trừng phạt, Tổng thống Putin đã xóa 90% khoản nợ 11 tỷ USD mà CHDCND Triều Tiên còn nợ Nga. Theo thỏa thuận, 10% còn lại có thể được sử dụng cho các dự án hợp tác Nga-Triều Tiên. Cùng năm đó, Nga đã cung cấp 50.000 tấn lúa mì viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.
Nga đang làm suy yếu các biện pháp cô lập của quốc tế đối với Triều Tiên. Trong năm 2013, Nga đã hoàn thành việc cải tạo tuyến đường sắt liên kết giữa hai nước, và trong tháng này, tuyến phà nối liền Vladivostok (Nga) và cảng Rason (Triều Tiên) đã đi vào hoạt động.
Bất kể nói gì về vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn muốn CHDCND Triều Tiên mạnh về quân sự. Vì vậy, khi Nhà Trắng nói tên lửa đạn đạo mà Bình Nhưỡng vừa phóng thử rơi cách Vladivostok chưa đầy 100 km, thì Moscow thông báo rằng tên lửa của Triều Tiên rơi cách lãnh thổ Nga 310 hải lý (khoảng 500 km).
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un biết rõ rằng sự tồn tại của chế độ ở Bình Nhưỡng phụ thuộc vào vai trò làm “vùng đệm” ngăn cách giữa Nga-Trung với Mỹ và đồng minh. Điều đó làm cho mọi cuộc xâm lược chống Triều Tiên dường như khó có khả năng xảy ra vì Nga và Trung Quốc không muốn có chiến tranh xảy ra sát ngưỡng cửa hai nước. Chính vì vậy mà ông Kim Jong-un có thể yên tâm phô trương lực lượng để răn đe Mỹ, trong khi vẫn đóng vai trò làm “vùng đệm” an toàn cho cả Nga lẫn Trung Quốc.
Trên thực tế, đối với Washington, Trung Quốc không phải là đối tác duy nhất để có thể thảo luận về vấn đề Triều Tiên. Xét về con số tuyệt đối, đòn bẩy kinh tế của Nga không phải là lớn và Moscow cũng không thể cáng đáng gánh nặng tài chính viện trợ cho Triều Tiên mà Trung Quốc hiện đang gánh chịu. Nhưng Nga chính là phương án dự phòng đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, một khi Trung Quốc nghe theo Mỹ trừng phạt kinh tế nước này.
Chỉ có điều, đối với chính quyền Mỹ hiện hành, nói chuyện với người Nga hầu như còn khó hơn nói chuyện trực tiếp với ban lãnh đạo ở Bình Nhưỡng. Điều đó khiến cho Mỹ khó có thể ngăn cản Triều Tiên tiếp tục tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa-hạt nhân ngày càng tham vọng. Can thiệp quân sự không phải là một lựa chọn tốt đối với Mỹ, nếu không có sự đồng ý của cả Trung Quốc lẫn Nga. Đối với hai nước này, việc Mỹ tấn công xâm lược Triều Tiên là không thể chấp nhận vì đó là một cuộc chiến diễn ra sát ngưỡng cửa nước họ.
Đe dọa trừng phạt bất cứ bên nào giúp Triều Tiên, như Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã làm trong tuần này, cũng không mấy hiệu quả. Các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây chỉ càng làm cho Moscow xích lại gần hơn với Bình Nhưỡng.
Kể từ năm 2014, Tổng thống Putin đã có trong tay đòn bẩy đối với Syria và Triều Tiên, nhưng không tìn được đối tác để giao dịch. Việc tránh giao dịch với Tổng thống Putin có nghĩa là sẽ gặp rắc rối với “khách hàng” của ông. Chính vì vậy, nếu không muốn mạo hiểm sử dụng vũ lực chống CHDCND Triều Tiên, các chính quyền Mỹ cần hợp tác với Tổng thống Putin trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên.
Minh Châu (Theo Bloomberg)