Chênh lệch giàu-nghèo chia cắt Trung Quốc?

Google News

(Kiến Thức) – Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn, trong đó hố ngăn cách giàu-nghèo ngày càng sâu rộng. 

 Ảnh minh họa

Những năm qua, Trung Quốc là nước phát triển rất nhanh, trở thành thực thể kinh tế thứ hai thế giới sau Mỹ. Nhưng chênh lệch giàu nghèo là vấn đề xã hội nghiêm trọng hiện nay, dễ dẫn đến tâm trạng bất bình trong xã hội.
 
Giám đốc Cục thống kê nhà nước Trung Quốc Mã Kiến Đường ngày 18/1 thông báo chỉ số Ginis (tức chỉ số chênh lệch giàu nghèo) ở Trung Quốc năm 2012 là trên 47, vượt xa con số báo động chung của thế giới là 40 và cũng cao hơn nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ (33), Nga (40).

Tuy nhiên, số liệu của Cục thống kê nhà nước lập tức bị nhiều học giả Trung Quốc bác bỏ, cho rằng không đúng sự thực.

Tờ “Thời báo tài chính quốc tế” ngày 20/1/2013 viết số liệu do Trung tâm điều tra và nghiên cứu thu nhập gia đình thuộc Trường đại học tài chính Tây Nam Trung Quốc công bố ngày 9/12/2012 cho thấy chỉ số Ginis năm 2012 của Trung Quốc là 61, đứng hàng đầu thế giới hiện nay.

Tiến sĩ Vương Tiểu Lỗ, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế quốc dân thuộc Quỹ cải cách Trung Quốc ngày 20/1/2013 khi trả lời báo giới, nói: “Số liệu do quan chức chính phủ công bố có rất nhiều sai sót, thể hiện ở những điểm sau: Một là, thu nhập của một số người giàu có và quan chức không đưa vào thống kê. Nếu đưa các số liệu này vào thì chỉ số Ginis hiện nay của Trung Quốc rất cao“. Ông cho biết “Báo cáo về tình trạng phân phối bất công” do Viện của ông công bố năm 2010, có tới hơn 9.300 tỉ Nhân dân tệ (NDT),  tương đương với  trên 1.333 tỉ USD gọi là “thu nhập đen” của nhóm người này không đưa vào thống kê, trong đó có tới trên 5.400 tỉ NDT (770 tỉ USD) là thu nhập bất chính.”

Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, kiêm Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu phân phối thu nhập Trung Quốc Triệu Nhân Vĩ nói: “Hầu như ai cũng biết rằng chỉ số Ginis của Trung Quốc từ lâu đã vượt quá mức báo động. Nhưng con số do Cục thống kê nhà nước vừa công bố là không đúng sự thực. Bởi vì cách tính toán không khoa học, không phù hợp với cách tính chung của thế giới. Cục thống kê nhà nước cố ý tách riêng chỉ số Ginis của thành thị và chỉ số Ginis của nông thôn để tính toán, trong khi hơn 200 nước trên thế giới đều gộp lại tính chung. Sở dĩ Cục thống kê nhà nước làm như vậy vì họ sợ chỉ số Ginis quá lớn, gây ra bất bình trong dân chúng. Chỉ số Ginis từ năm trước đã vượt 60, mức cao nhất thế giới hiện nay.”

Hàng năm trước mỗi kỳ họp Quốc hội và Hội nghị chính trị hiệp thương (gọi tắt là “Lưỡng Hội”) vào đầu tháng 3, Báo điện tử “Nhân Dân nhật báo”-cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc - thường kết hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành thăm dò dư luận quần chúng về “Những vấn đề bức xúc hiện nay”. Tờ báo cho biết vấn đề phân phối không công bằng, chênh lệch giàu-nghèo luôn đứng ở vị trí hàng đầu trong “Bảng xếp hạng những vấn đề bức xúc”, nhưng nhà nước dường như vẫn chưa có chính sách điều chỉnh thích đáng.

Giáo sư Học viện hành chính quốc gia Uông Ngọc Khải nói: “Cải cách tình trạng phân phối bất công hiện sở dĩ chưa được tiến hành đúng mức theo nguyện vọng của dân chúng, nguyên nhân chủ yếu do sự ngăn cản và gây rối của ba tập đoàn lợi ích lớn trong xã hội hiện nay: Một là, tập đoàn lợi ích của giới quyền quý mà đại biểu là tầng lớp quan chức lãnh đạo tham nhũng. Hai là, tập đoàn lợi ích của tầng lớp lũng đoạn mà đại biểu chủ yếu là các chủ doanh nghiệp quốc doanh lũng đoạn của nhà nước. Ba là, tập đoàn lợi ích của tầng lớp tài nguyên môi trường mà đại biểu chủ yếu là chủ doanh nghiệp kinh doanh nhà đất và tài nguyên môi trường.”

Ông cho rằng ba tập đoàn lợi ích này thời gian qua đã cản trở rất lớn tới cải cách công tác phân phối công bằng.

Giám đốc Viện nghiên cứu xã hội Viện khoa học xã hội Trung Quốc Lý Bồi Lâm cho rằng Nhà nước phải dám nhìn thẳng và xử lý vấn đề này thì mới có thể giữ cho đất nước ổn định lâu dài.

Giáo sư kinh tế Ngô Kính Liễn nói: “Nguyên nhân dẫn tới chênh lệch giàu nghèo có nhiều, nhưng một nguyên nhân quan trọng ở Trung Quốc là nạn tham nhũng của các  quan chức và tình trạng lũng đoạn của các công ty tập đoàn nhà nước. Điều làm công chúng phản cảm và công phẫn là bọn chúng có thái độ hống hách, thậm chí tác yêu tác quái, nhũng nhiễu dân chúng. Đây là nhân tố làm xã hội mất ổn định thời gian qua.”

Dư luận Trung Quốc cho rằng sở dĩ Cục thống kê nhà nước cho công bố sớm chỉ số Ginis với con số trên nhằm xoa dịu bức xúc của dân chúng trước thềm hai kỳ họp lớn trong năm là Kỳ họp Quốc hội và Hội nghị chính trị hiệp thương sắp khai mạc vào đầu tháng 3/2013./.


ĐANG ĐỌC NHIỀU:


TIN LIÊN QUAN:





    

Kiều Tỉnh