Đó là nhận định của giáo sư Andrei Lankov, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul.
Lần thứ hai chính phủ CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) nói với thế giới rằng nước này sẵn sàng phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Theo tuyên bố chính thức, Các lực lượng vũ trang Triều Tiên "có một kế hoạch tác chiến riêng để giải phóng miền nam Triều Tiên và tấn công lục địa Mỹ".
Thông thường, báo giới rất vồ vập với những tuyên bố kiểu này để đưa vào các hàng tít lớn, trong khi giới quan sát Triều Tiên lại tỏ ra khá thờ ơ. Những tuyên bố kiểu này được Bình Nhưỡng đưa ra… quá thường xuyên.
|
Trong năm 2013, truyền hình Triều Tiên công bố hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un trước một tấm bản đồ lớn về các mục tiêu tấn công hạt nhân của Bình Nhưỡng. |
Trong năm 2013, truyền hình Triều Tiên công bố hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un trước một tấm bản đồ lớn về
các mục tiêu tấn công hạt nhân của Bình Nhưỡng. Những mục tiêu bị tấn công hạt nhân không chỉ bao gồm Washington và New York, mà còn cả Austin và Texas.
Lần này, sự việc có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Có thể, Bình Nhưỡng không có ý định phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân, nhưng diễn biến gần đây khiến cho một cuộc đối đầu đẫm máu trên Bán đảo Triều Tiên có nhiều khả năng xảy ra hơn bao giờ hết.
Thay đổi cuộc chơi
Làm thay đổi cuộc chơi là Nghị quyết 2270 mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) thông qua ngày 2/3 để đáp trả vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên hồi tháng 1 và vụ phóng tên lửa mang vệ tinh trong tháng 2/2016. Nghị quyết 2270 nghiêm ngặt hơn nhiều so với các nghị quyết trước đó của HĐBA LHQ và về cơ bản là chưa từng có.
Nghị quyết 2270 cấm Triều Tiên xuất khẩu khoáng sản như vàng, titan và vanadi. Thậm chí, nó cũng có thể cấm Bình Nhưỡng xuất khẩu than đá, mặc dù cách diễn đạt còn hơi mơ hồ. Khoáng sản chiếm hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên và riêng than đá chiếm khoảng 40%.
Một lệnh cấm bán nhiên liệu máy bay cho Triều Tiên đã được ban hành, cũng như hạn chế khắc nghiệt trên đối với tàu, hoạt động tài chính và các hoạt động tương tự của CHDCND Triều Tiên.
Chưa hết, Mỹ và Hàn Quốc lại đưa ra các biện pháp trừng phạt đơn phương. Seoul đã đóng cửa Khu công nghiệp Kaesong, một dự án công nghiệp liên Triều, trong đó có khoảng 120 công ty Hàn Quốc tuyển dụng 50.000 công nhân Triều Tiên. Về phần mình, Mỹ sẽ trừng phạt các ngân hàng và các công ty khác của nước thứ ba đang tham gia các giao dịch với Triều Tiên.
Nếu được thực hiện đầy đủ, các biện pháp được trừng phạt nói trên sẽ hoàn toàn loại trừ CHDCND Triều Tiên ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Nếu các biện pháp trừng phạt được thực thi một cách hệ thống, Triều Tiên sẽ phải hứng chịu một cú sốc lớn. Nền kinh tế của nước này có thể bị teo tóp mức sống của dân chúng chắc chắn sẽ đi xuống.
Đó là kết quả không thể tránh khỏi, khi một nửa kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên bị bốc hơi trong vòng có một đêm. Điều này khuyến khích những người ủng hộ lệnh trừng phạt vốn tin rằng những biện pháp chưa từng có sẽ đẩy Triều Tiên vào bàn đàm phán và thậm chí có thể dẫn đến sự kết thúc của chương trình hạt nhân của nước này.
Mối đe dọa từ bên ngoài
Thật không may, những kỳ vọng này lại là vô căn cứ. Ban lãnh đạo Triều Tiên tin rằng đất nước này cần có vũ khí hạt nhân để đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài. Họ vẫn còn nhớ số phận bi thảm của Đại tá Muammar Gaddafi, người hùng Libya đã đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
Họ cũng không quên những gì đã xảy ra với Ukraine, một nước đã được quốc tế trong năm 1994 bảo đảm về toàn vẹn lãnh thổ như một phần thưởng cho sự sẵn sàng của Kiev không giữ lại vũ khí hạt nhân thời Liên Xô cũ.
Đồng thời, một cuộc nổi dậy vũ trang trong tương lai gần ở miền bắc Triều Tiên khó có thể xảy ra vì công chúng hầu như không có cách nào gây ảnh hưởng đến chính sách của chính phủ ở Bình Nhưỡng. Đây là đất nước từ cuối những năm 1950 khoe rằng 100% cử tri ủng hộ các ứng cử viên mà chính phủ bổ nhiệm trong tất cả các cuộc bầu cử.
Cũng nên nhớ chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã manh nha trong những năm 1990 và phát triển mạnh vào đầu những năm 2000, thời điểm mà có tin nói gần một triệu người ở miền bắc Triều Tiên bị chết đói.
Những khó khăn nói trên không hề ảnh hưởng chính sách của chính phủ ở Bình Nhưỡng, một chính phủ đã quyết định rằng sự tồn tại của nhà nước và chế độ là ưu tiên tối thượng. Bằng mọi giá, Triều Tiên cần sở hữu vũ khí hạt nhân và những người bị chết bởi nạn đói là cái giá đáng tiếc nhưng cần thiết cho sự tồn tại của chế độ.
Phản ứng của Bình Nhưỡng
Lần này, không có lý do gì cho thấy Bình Nhưỡng thay đổi lập trường. Các biện pháp trừng phạt sẽ làm cho cuộc sống trở nên khó khăn hơn đối với Triều Tiên, nhưng hầu như sẽ không mang lại kết quả mong muốn.
Rất có thể, kết quả của các biện pháp lại tỏ ra ngoài ý muốn của cộng đồng quốc tế. Cảm thấy bị dồn ép, chính phủ Triều Tiên có thể dùng đến chiến thuật cũ để tạo ra khủng hoảng. Thứ nhất là để tạo ra một tình huống nguy hiểm và sau đó tỏ ra nhượng bộ để đổi lấy một phần thưởng đáng kể nào đó.
Hiện thời, Bình Nhưỡng hầu như không còn gì để mất. Sau khi Nghị quyết 2270, thế giới bên ngoài khó có thể làm gì hơn nữa để gây sức ép với Bình Nhưỡng. Vì vậy, cộng đồng thế giới cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó khả năng những lời lẽ gay gắt của Bình Nhưỡng sẽ kéo theo hành động cứng rắn, thậm chí có liên quan đến việc sử dụng vũ khí.
Xem ra, vũ khí hạt nhân ít có khả năng được sử dụng, nhưng một vài trái đạn pháo bắn qua biên giới có thể kích động một cuộc đối đầu đẫm máu.
Chính vì vậy, các nghị quyết định Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không làm cho Bán đảo Triều Tiên an toàn hơn và chúng không dẫn đến việc làm giảm các mối đe dọa hạt nhân.
Video Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa mang vệ tinh lên quĩ đạo (Nguồn The Guardian):
Minh Châu (Theo Al Jazeera)