|
Tổng thống Barack Obama công du Châu Phi, thăm Senegal, Nam Phi và Tanzania.
|
Cách đây hơn 4 năm, Châu Phi đã vô cùng phấn khích và kỳ vọng vào Obama, một người Mỹ có cha là người Kenya, lần đầu tiên được bầu làm tổng thống Mỹ. Họ hy vọng vị tổng thống sẽ không quên “quê cha, đất tổ” và có thể ban cho Châu Phi một số đặc ân? Hơn bốn năm sau, sự phấn khích và kỳ vọng này đã biến mất. Cam kết của Tổng thống Obama đối với Châu Phi thậm chí còn thấp hơn cả vị tổng thống da trắng tiền nhiệm.
Cách đây 4 năm, bài phát biểu của Tổng thống da đen Obama trước Quốc hội Ghana đã khiến cho người Châu Phi sống trong mong đợi. Trong bài phát biểu này, ông Obama từng nói: "Suy cho cùng, tôi đang mang trong mình dòng máu Châu Phi. Câu chuyện gia đình tôi chứa đựng cả thảm kịch lẫn vinh quang của một câu chuyện châu Phi lớn hơn”.
Ông Obama đã nhận được những tràng vỗ tay nồng nhiệt, khi ông công khai thừa nhận nguồn gốc châu Phi của mình. Tuy ông cũng phê phán nạn tham nhũng ở Châu Phi và yêu cầu người châu lục này gánh vác trách nhiệm nhiều hơn, nhưng những lời phê phán này bị lấn đi bởi sự phấn khích chung.
Ai có thể mở ra một trang mới về chính sách Châu Phi và thúc đẩy đầu tư trực tiếp, du lịch, nếu không phải là tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ?
Lu mờ bởi khủng hoảng tài chính
Thế nhưng kỳ tích đã không xảy ra. Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học George Washington, David Shinn - từng là đại sứ Mỹ ở Ethiopia và Burkina Faso - nói rằng nhiều vấn đề rất lớn ở Mỹ (đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính) đã cắt giảm rất nhiều chính sách can dự Châu Phi trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama. Ông David Shinn nói với Deutsche Welle: “Tôi nghĩ rằng ông Obama đang cố gắng để bù đắp cho Châu Phi, trong nhiệm kỳ thứ hai”.
Tuy nhiên, sẽ là không công bằng khi buộc tội Tổng thống Obama và Bộ Ngoại giao Mỹ không quan tâm tới Châu Phi. Đích thân Tổng thống Obama đã can thiệp vào cuộc khủng hoảng Sudan và đã cử một đặc phái viên đến châu lục này để giúp tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của Nam Sudan vào năm 2011.
|
Tổng thống Obama và lãnh đạo Senegal.
|
Năm sau, Tổng thống Obama cũng đã mời các nhà lãnh đạo Châu Phi đến dự Hội nghị thượng đỉnh G-8 tại trại David để tham gia chương trình “Nuôi dưỡng tương lai” về an ninh lương thực. Chương trình này hiện đang được thực hiện tại 20 quốc gia, trong đó có Senegal và Tanzania là hai nước mà ông Obama đến thăm trong chuyến công du Châu Phi lần này.
Chính quyền Obama cũng không né tránh những biện pháp gây nhiều tranh cãi như gửi lực lượng đặc biệt đến Trung Phi để săn lùng các lãnh chúa Joseph Kony hoặc thiết lập căn cứ cho máy bay không người lái ở Ethiopia, Niger và Djibouti.
Cuộc chiến chống khủng bố ở Châu Phi
Khi Tổng thống Obama “bật đèn xanh” cho việc triển khai các máy bay không người lái trên không phận Somalia, các nhà phê bình cáo buộc ông ưu cuộc chiến chống khủng bố hơn các chương trình phát triển kinh tế Châu Phi. Theo giáo sư David Shinn, Tổng thống Obama đã tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố của Tổng thống tiền nhiệm George W Bush ở Châu Phi.
|
Máy bay không người lái Mỹ ở Châu Phi.
|
Cựu đại sứ Mỹ David Shinn cũng cho biết chính quyền Obama đã tập trung vào dân chủ và nhân quyền hơn thời chính quyền Bush.
Issa Mansaray là một nhà báo đến từ Sierra Leone và biên tập viên của tạp chí The Africa Paper. Ông thất vọng với Obama và nói không nhìn thấy bất kỳ thay đổi nào trong chính sách của Mỹ về Châu Phi kể từ vị tổng thống da đen này lên nắm quyền. Ông trích dẫn một ví dụ là Bộ chỉ huy Châu Phi của Mỹ (AFRICOM) “có trụ sở tại Stuttgart, CHLB Đức, chứ không phải ở Châu Phi”.
Một thứ hỗn hợp giữa hy vọng và thất vọng là phản ứng phổ biến nhất đối với chính sách Châu Phi của vị tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ. Nhiều người Châu Phi hy vọng Obama sẽ cải thiện các mối quan hệ với “quê cha, đất tổ” trong nhiệm kỳ thứ hai.
|
Chuyến thăm Nam Phi của Tổng thống Obama bị lu mờ bởi bệnh tình "nguy kịch" của Nelson Mandela.
|
Các nhà quan sát hy vọng rằng Obama sẽ tìm cách gây ấn tượng như chuyến viếng thăm Soweto, trong chuyến công du Châu Phi hiện nay. Thế nhưng, ở Nam Phi, tất cả mọi người lại đang chăm chú theo dõi tình hình sức khỏe của “vị anh hùng” Nelson Mandela như ông Obama từng ca ngợi.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Lê Chân (theo Deutsche Welle)