Báo Libération viết hoàn cảnh mới khiến Châu Âu phải thức tỉnh, thúc đẩy cặp Pháp-Đức củng cố Liên minh Châu Âu (EU) vững mạnh để có thể tự quyết vận mệnh của mình.
|
Cặp Merkel-Marcon cần củng cố Liên minh Châu Âu (EU) vững mạnh để có thể tự quyết vận mệnh của mình. Ảnh: Politico Europe |
Theo Libération, Liên minh Châu Âu (EU) đang phải đối mặt với hai thực tế: Brexit bên kia bờ biển Manche và nước Mỹ của Donald Trump bên kia bờ Đại Tây Dương đang ngày càng xa rời đồng minh.
Thế nhưng, chính hoàn cảnh đó lại “thôi thúc các lãnh đạo Châu Âu, bắt đầu là cặp Pháp-Đức, phải ý thức được cần tăng cường sức mạnh cho Liên minh Châu Âu”.
Ngay từ hôm 28/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã ý thức được điều đó, khi bà phát biểu: “Thời kỳ mà chúng ta có thể dựa dẫm vào những người khác đang qua dần… Châu Âu vẫn là bạn của Mỹ và láng giềng tốt của Vương quốc Anh cũng như nước Nga. Nhưng chúng ta phải biết tự đấu tranh cho tương lai và vận mệnh của chính mình”.
Libération nhận định: “Trên khía cạnh các giá trị, quốc phòng, thương mại và chắc chắn cả về biến đổi khí hậu, chưa bao giờ hố ngăn cách hai bờ Đại Tây Dương lại lớn như bây giờ”. Tờ báo khẳng định nếu Châu Âu không đẩy nhanh tốc độ hòa nhập thành một khối thống nhất, EU sẽ là nạn nhân của biến động hiện nay.
Còn nhiều việc cấp bách phải làm
Với một tình trạng rệu rã và trì trệ như hiện nay, sẽ còn rất nhiều việc phải làm để thiết lập một trật tự mới trong Liên minh Châu Âu. Đó là: phải hoàn thiện Khu vực đồng euro, triển khai một nền quốc phòng Châu Âu, phải có một chính sách chung về nhập cư, phát triển an ninh nội địa để chống khủng bố, xây dựng lại hoàn toàn cơ chế để EU có một thủ lĩnh thực sự.
Nhìn chung, các báo Pháp đều nhận thấy tương lai của Liên minh Châu Âu giờ đây trông chờ vào hai đầu tàu Pháp-Đức, cụ thể là lãnh đạo của hai nước. Pháp vừa có tân Tổng thống Emmanuel Macron, một người chủ trương cải cách sâu rộng để có một Liên minh Châu Âu vững vàng, tự bảo vệ chính mình. Còn với Đức, người ta đang chờ đợi kết quả bầu cử vào mùa thu năm nay. Liệu khi đó, bà Angela Merkel, một lãnh đạo ý thức được việc cần phải có một châu Âu mạnh tự lực tự cường, có giành thắng lợi hay không?
Tính chuyện “xoay trục sang Châu Á”?
Một số báo Pháp như tờ Ouest France gợi nhắc đến “xoay trục sang Châu Á”, một chủ trương của cựu Tổng thống Obama nhưng cũng có thể sẽ là một chân trời mới cho Liên minh Châu Âu.
Báo Ouest France ghi nhận rằng Trung Quốc muốn tôn trọng Thỏa thuận khí hậu Paris, vì nước này đã đầu tư nhiều vào quá trình chuyển đổi năng lượng. Ấn Độ cũng vậy. Dù vẫn còn bất đồng về vấn đề nhân quyền hay thương mại, nhưng Trung Quốc và EU có mối quan tâm chung về vấn đề biến đổi khí hậu. Tờ báo bình luận: “Đó có thể là dấu hiệu tốt cho mối quan hệ đối tác mới được xây dựng trên đống đổ nát của trận cuồng phong mang tên Trump”.
Tuy nhiên, báo kinh tế Les Echos cho biết một nửa số doanh nghiệp Châu Âu hoạt động tại Trung Quốc phàn nàn là họ luôn bị phân biệt đối xử khiến điều kiện kinh doanh rất khó khăn. Theo Les Echos, “xoay trục sang Châu Á” mà lấy trọng tâm là Trung Quốc thì cũng không hề đơn giản đối với Liên minh Châu Âu.
Minh Châu (BT)