Liên quan đến tình hình Syria, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây đã tuyên bố ưu tiên cao nhất của ông là “cuộc chiến chống lại tất cả các nhóm khủng bố”. Tổng thống Macron cũng nói thêm rằng ông không nhìn thấy nhân vật nào ở Syria có thể kế nhiệm hợp pháp Tổng thống Bashar al-Assad và Tổng thống Assad không phải là kẻ thù của nước Pháp.
|
Cái bắt tay “nắn gân nhau” giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Marcon. Ảnh: Newsweek |
Những tuyên bố này đã khiến cho nhiều chính khách, đặc biệt ở Mỹ, bị sốc bởi vì ông Macron vốn là ứng cử viên trung hữu trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 201 và thậm chí còn nhận được sự ủng hộ từ cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Marcon cho thấy một xu hướng bắt đầu xuất hiện trên chính trường Châu Âu, thách thức chủ nghĩa can thiệp chủ yếu xuất phát từ Mỹ.
Trong những năm gần đây, Tây Âu vốn ủng hộ chủ nghĩa can thiệp ở Trung Đông và chính sách leo thang đối đầu với Nga của Mỹ. Tuy nhiên, hậu quả thực sự của việc theo đuổi những cuộc phiêu lưu của Mỹ này là những cuộc tấn công khủng bố làm rung chuyển Châu Âu. Rốt cuộc, cảnh sát Anh cũng phải tiết lộ rằng kẻ đánh bom Salman Abedi ở thành phố Manchester có liên hệ với các lực lượng thánh chiến từng lật đổ Đại tá Muammar Qaddafi, cùng với NATO.
Cần lưu ý là không chỉ Công đảng ở Anh chống lại sự can thiệp leo thang vào Syria, mà còn cả Đảng Dân chủ tự do, Đảng Dân tộc Scotland và Đảng Xanh cũng lên tiếng phản đối. Các nhà lãnh đạo Công đảng như Emily Thornberry đã cảnh báo rằng leo thang can thiệp ở Syria có nguy cơ dẫn đến “xung đột với Nga và Iran" và có thể dẫn nước Anh đi theo những sai lầm tương tự như trong Chiến tranh Iraq.
Thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn thì đổ lỗi cho các chính sách của Chính phủ Anh có liên quan đến vụ đánh bom ở thành phố Manchester. Ông Corbyn cũng chống lại việc chính quyền Trump can thiệp vào Syria và phản đối sự mở rộng của NATO.
Trong khi Trung Đông và mở rộng NATO thực sự là hai vấn đề khác nhau, nhưng có một mẫu số chung bao trùm cả hai vấn đề nói trên là chính sách đơn cực của Mỹ. Châu Âu đang đứng giữa ngã ba đường và sẽ bị mất mát nhiều về an ninh-thịnh vượng kinh tế, nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Nước Đức hiện đang mắc kẹt ở giữa tình trạng đối đầu ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Nga. Các quan chức Đức đều biết rõ về chỗ đứng của nước họ như thế nào trong cuộc xung đột Nga-NATO. Sau các cuộc tiếp xúc với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chua chát nói rằng Donald thời kỳ mà Châu Âu có thể dựa vào người khác đã "chấm dứt". Đức vẫn tiến hành đối thoại với Nga hơn bất kỳ quốc gia Tây Âu nào khác và nhiều quan chức Đức từ lâu đã nhận ra nguy cơ của căng thẳng leo thang với Nga.
Mùa hè năm 2016, các giới chức Đức đã thảo luận về việc nới lỏng dần các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Một năm sau đó vào ngày 16/6/2017, chính phủ Đức đã đe dọa trả đũa Mỹ về đợt trừng phạt mới đối với Nga, gây tổn hại cho kinh tế Châu Âu.
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào bất cứ tổ chức nào giúp Nga xây dựng các đường ống dẫn năng lượng mới chắc chắn sẽ bao gồm dự án Nord Stream 2, một đường ống vận chuyển khí đốt Nga dưới biển Baltic. Trong khi Mỹ hy vọng tiến hành các chiến dịch năng lượng ở Tây Âu để giảm sự phụ thuộc vào Nga, thì các nhà lãnh đạo Châu Âu lại không mấy mặn mà với chiến dịch này. Chiến tranh kinh tế với Nga dường như không phải ưu tiên trong chương trình nghị sự của nhiều nước Châu Âu.
Minh Châu (Theo AMN)