|
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại St Petersburg.
|
Theo mạng tin Stratfor, quyết định xin ý kiến Quốc hội của Nhà Trắng đã tạo điều kiện cho Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đức Angela Merkel trì hoãn việc đưa ra các biện pháp cụ thể liên quan đến cuộc xung đột tại Syria, trong bối cảnh can thiệp quân sự không được dư luận ủng hộ ở hầu hết các quốc gia Châu Âu và chính phủ các nước này còn đang phải tập trung vực dậy nền kinh tế vừa trải qua cơn khủng hoảng.
Berlin, Paris và London có lý do để trì hoãn việc đưa ra quan điểm cụ thể về cuộc tấn công quân sự vào Syria. Tại Anh, việc quốc hội Anh phủ quyết đề xuất tấn công quân sự vào Syria ngày 29/8 đã gây ra sự đảo lộn chính trị tại nước này và các nhà làm luật đã chỉ trích Thủ tướng Cameron quá hấp tấp khi theo đuổi một cuộc can thiệp như vậy. Ông Cameron đã quyết định tham vấn Hạ viện Anh để thể hiện tính dân chủ nghị viện, nhưng không ngờ rằng kế hoạch của ông bị chính các thành viên trong đảng bỏ phiếu chống. Tới thời điểm này, Anh sẽ không thể đóng vai trò chính trong cuộc can thiệp vào Syria dù nước này là thành viên NATO duy nhất ngoài Mỹ có khả năng tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ tàu chiến.
Tại Đức, những tính toán chính trị là nhân tố cản trở chính việc nước này can thiệp vào Syria là bà Merkel đang bước vào giai đoạn tranh cử quan trọng. Thủ tướng Đức không muốn một cuộc tranh cãi về khả năng can thiệp vào Syria, vốn không được cử tri Đức ủng hộ, xen vào chiến dịch vận động tranh cử của bà. Để giữ cân bằng quan hệ với Mỹ, Berlin đang tìm cách làm cầu nối giữa Nhà Trắng và Điện Kremlin nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột. Việc này diễn ra khi cuộc xung đột ở Syria đang gây căng thẳng giữa Mỹ và Nga, do vậy đã đặt Berlin vào thế khó vì Đức cần tìm kiếm sự cân bằng chiến lược giữa các đối tác quan trọng ở cả phương Đông lẫn phương Tây.
Tổng thống Pháp Hollande có cam kết mạnh mẽ hơn cả trong cuộc can thiệp quân sự vào Syria, nhưng bản thân Paris cũng đang trì hoãn đưa ra quyết định cuối cùng. Các vấn đề chính trị tại Anh và sự do dự của Nhà Trắng đã khiến ông Hollande tỏ ra thận trọng hơn. Điều này diễn ra trong bối cảnh mức tín nhiệm đối với cá nhân người đứng đầu nước Pháp đã xuống mức thấp kỷ lục do kinh tế trong nước trì trệ. Vì vậy, Paris không muốn một cuộc can thiệp quân sự không được lòng dư luận Pháp tạo thêm vấn đề chính trị mới ở trong nước.
Mười năm sau cuộc xâm lược Iraq, hậu quả chính trị của một hành động quân sự không được lòng dân vẫn còn “lảng vảng” tại châu Âu. Kết quả là các nước thành viên Liên minh Châu Âu chỉ có thể ủng hộ Mỹ bằng cách chia sẻ thông tin tình báo, hỗ trợ đàm phán với Nga và tạo các áp lực ngoại giao đối với Syria. Sự trợ giúp này có thể mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn quân sự. Như vậy, Washington sẽ ngày càng gặp khó khi muốn dựa vào EU để xây dựng một liên minh quốc tế cho các hành động quân sự của mình trong tương lai.
Theo Báo Tin tức