|
Liệu Tổng thống Obama có quyết định tấn công Syria vì cái gọi là Damascus sử dụng chất độc hóa học.
|
Kênh truyền hình Al-Arabiya ở Dubai đưa tin ngày 21/8, khu ngoại vi Damascus dường như đã phải hứng chịu cuộc tấn công hóa học. Thoạt đầu nói về con số 500 người chết. Sau đó, số nạn nhân tăng lên đến hơn 1.000 người. Theo thuyết minh trên kênh truyền hình, cuộc tấn công do lực lượng chính phủ tiến hành bằng cách sử dụng tên lửa “đất đối đất”. Và cho đến nay vẫn chẳng có tài liệu nào chứng minh cho thông tin đó.
Từ vùng lân cận Damascus "chất hóa học" ngay lập tức thấm cả vào lĩnh vực chính trị và lan đến tận Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ở đây, các nhà tài trợ phương Tây của phe đối lập Syria ngay trong chiều tối ngày 21/8 đã cố áp đặt nhằm thông qua một nghị quyết hết sức cứng rắn của Hội đồng Bảo an về Syria. Nga và Trung Quốc đã phấn đấu phong tỏa văn kiện với ngôn từ khắc nghiệt và buộc phương Tây chờ đợi kết quả cuộc điều tra và phân tích tại chỗ.
Đến cuối tuần đã trở nên rõ ràng rằng quả thực đã có việc sử dụng chất độc hóa học. Nhưng, đó là chất gì và từ bên nào – vẫn là câu hỏi hóc búa.
Sự kiện sử dụng vũ khí hóa học cần được điều tra bởi phái đoàn đặc biệt gồm các chuyên gia Liên Hợp Quốc. Phái đoàn này bắt đầu công việc ở Syria vào ngày 20/8/2013.
Nhưng công việc này chẳng có gì hứa hẹn là sẽ dễ dàng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Aleksandr Lukashevich nhận xét. Việc điều tra tại chỗ có thể nảy sinh khó khăn bởi địa bàn hiện do các chiến binh chiếm giữ. Ông nói: “Khu vực đang nói tới hiện nằm trong sự kiểm soát của các chiến binh. Chúng tôi xuất phát từ quan điểm rằng phái đoàn Liên Hợp Quốc cần thương thảo về điều đó với chính quyền Syria như là bên chủ nhà. Không ngẫu nhiên mà Phó Tổng thư ký LHQ Jan Eliasson đã nói rõ ràng rằng dành cho hành động như vậy cần thiết tối thiểu cũng là ngừng hoạt động chiến sự, dù là tạm thời trong giai đoạn điều tra”.
Ông Sergey Demidenko chuyên viên Viện Phân tích và đánh giá chiến lược nhận định: "Phe đối lập chẳng có gì để mất. Dù sao chăng nữa họ cũng không thể giành chiến thắng và đang dùng mọi phương cách cố buộc phương Tây phải can thiệp vào cuộc xung đột với thuyết phục rằng chế độ hiện nay trong nước là khát máu và vô nhân đạo”. Chuyên viên này lưu ý rằng tin về các cuộc tấn công hóa học của chế độ đã liên tục loan báo trên các kênh truyền hình của những nước vùng Vịnh Ba Tư vẫn tài trợ cho chiến binh đối lập.
“Tất cả những thứ đó đã có trong quá khứ. Ngay khi Mỹ tuyên bố sẽ can thiệp vào Syria nếu tìm thấy vũ khí hóa học ở đó, thì lập tức kênh truyền hình Al Jazeera của Qatar liền thông báo rằng đã tìm thấy thứ vũ khí đó. Ngay khi nhóm chuyên viên Liên Hợp Quốc đến Syria để xác minh các dữ liệu về vũ khí hóa học, lập tức kênh truyền hình Al-Arabiya của Dubai thông báo về việc quân đội chính phủ đã sử dụng chất hóa học. Đây là công việc rất thô thiển và lộ liễu”.
Nhiều chuyên viên phương Tây cũng ngờ vực về chuyện quân qhính phủ có thể thực hiện bước đi “điên cuồng và dại dột” đến như vậy. Chẳng hạn, Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng (Défense) thuộc Trường An ninh Quốc gia cao cấp của Pháp, ông Richard Labévière nêu quan điểm như vậy. Hoàn toàn có khả năng là chiến binh nổi dậy Syria đã chẳng còn lựa chọn nào khác hơn là sử dụng vũ khí hóa học để thu hút sự chú ý của công chúng.
Ông Richard Labévière nhận định: “Phải rất thận trọng khi nghiên cứu tất cả các bối cảnh của việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Chủ đề này nổi lên mỗi khi phe đối lập Syria yếu thế. Đã từng có cái gì đó tương tự xảy ra với Iraq. Giống như bây giờ đang diễn ra ở Syria. Chuyện ở đây nói về cuộc chiến tranh tâm lý và thao tác cố gắng lái dư luận theo chủ đích của ai đó”.
Cùng trong thời gian này, vào ngày Chủ nhật, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel đang ở thăm Malaysia đã tuyên bố với các phóng viên rằng Lầu Năm Góc sẵn sàng can thiệp quân sự vào Syria, nếu có sắc lệnh tương ứng của Tổng thống Barack Obama. Ông Hagel cho biết: “Tổng thống đã giao cho Bộ Quốc phòng chuẩn bị tất cả các phương án hành động cho mọi trường hợp. Chúng tôi đã chuẩn bị. Chúng tôi sẵn sàng với tất cả các phương án...”.
Văn Bỉnh (theo VOR)