“Canh bạc lớn” về Biển Đông và Biển Hoa Đông

Google News

Cuộc gặp Obama-Tập Cận Bình sắp tới và chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe là hai cuộc gặp thượng đỉnh có liên quan tới châu Á-Thái Bình Dương.

 Có người cho rằng, vấn đề Biển Đông có thể được dàn xếp theo hướng “Mỹ - Trung cùng có lợi”.

Giới truyền thông cho rằng, trong vấn đề Biển Đông, nếu chỉ dựa hoàn toàn vào Mỹ hoặc hy vọng Trung Quốc tự kiềm chế là ảo tưởng. Đây là điều được Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đúc kết sau 3 năm đàm phán song phương với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh xung quanh tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Ngoài ra, với những kinh nghiệm của mình, Philippines cũng cho rằng, đàm phán tay đôi với Trung Quốc về những tranh chấp ở Trường Sa là tự sát.

 Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario: Chỉ dựa hoàn toàn vào Mỹ hoặc hy vọng Trung Quốc tự kiềm chế là ảo tưởng.

Theo Manila, cần củng cố đoàn kết nội khối ASEAN và dựa vào luật pháp quốc tế để ngăn chặn Trung Quốc leo thang bành trướng tại Biển Đông bởi cho tới nay Bắc Kinh không hề thay đổi mục tiêu biến vùng biển này thành “ao nhà” của họ.

Trong khi đó, từ 24 đến 26/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt đầu chuyến thăm Myanmar nhằm đối phó với Trung Quốc, cũng như tạo dựng “vòng bao vây, kiềm chế Trung Quốc”. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của tạp chí Foreign Affairs gần đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thẳng thắn “bóc mẽ trò giật bát cơm của người khác” rồi đòi chia phần mà Trung Quốc và Đài Loan đang áp dụng trên các vùng biển ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Thủ tướng Nhật Bản nói với Foreign Affairs rằng, chiêu trò của Trung Quốc dụ các nước láng giềng “tạm gác tranh chấp” là vô cùng hoang đường và bịa đặt. Mặc dù Bắc Kinh đang ra sức dùng cơ bắp cùng “cái lý của kẻ mạnh” để cố gắng áp đặt “luật chơi” của riêng mình tại các vùng biển ở Đông Á, nhưng trong bối cảnh thế giới hiện nay không phải Trung Quốc cứ muốn là được.

 Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bóc mẽ Trung Quốc "giật bát cơm của người khác” rồi đòi chia phần ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 20/5, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng đã từ chối ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về vấn đề tranh chấp tại Biển Đông. Trong khi ông Lý muốn đưa vào tuyên bố chung nội dung “tranh chấp lãnh thổ trong khu vực Thái Bình Dương thuần túy là vấn đề nội bộ của các bên hữu quan và các quốc gia khác không nên can thiệp vào”, nhưng ông Manmohan Singh đã từ chối ủng hộ quan điểm này vì cho rằng: Đây là vùng biển quốc tế nên cần đàm phán đa phương.

Giới chuyên môn quan tâm tới những nhận định của học giả Subhash Kapila thuộc Trung tâm Phân tích Đông Nam Á. Học giả này cho rằng an ninh châu Á đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Trung Quốc - không những bành trướng ở Biển Đông trong tranh chấp lãnh hải với Philippines và Việt Nam, mà còn kéo tới khu vực Himalaya, biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo học giả Subhash Kapila, sở dĩ Bắc Kinh chỉ muốn đàm phán tay đôi bởi Bắc Kinh có thể sử dụng ưu thế sức mạnh quân sự để gây sức ép với các nước láng giềng nhỏ hơn, trong đó chủ yếu nhằm vào Philippines và Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Theo PetroTimes