Có thể gọi chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng theo lời mời chính quyền Tổng thống Barack Obama là một chuyến thăm lịch sử, đánh dấu một mốc mới trong mối quan hệ hai nước 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc và 20 năm sau khi Tổng thống Bill Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam. Do ý nghĩa đặc biệt của chuyến thăm, không nên nhìn nhận nó dưới góc độ đơn thuần là một sự kiện song phương và càng không nên coi đây là chuyến thăm mang ý nghĩa “chọn bên”.
Không có gì nghi ngờ nữa, khi khẳng định chuyến thăm này là cột mốc trong quan hệ song phương, nhất là khi tính đến những khác biệt về lịch sử và bản chất xã hội.
Hơn hai thập kỷ qua, mối quan hệ Việt Nam-Mỹ phát triển mạnh trên hầu khắp các lĩnh vực như thương mại, kinh doanh, giáo dục, khoa học, công nghệ, tư vấn an ninh, quốc phòng về các vấn đề quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm hay những cuộc đối thoại chính trị về các vấn đề nhạy cảm như nhân quyền và chất độc màu da cam. Sự tiếp xúc giữa hai dân tộc, thông qua du lịch, các dự án phát triển...cũng như số lượng sinh viên Việt Nam sang Mỹ càng khiến cho hai ước xích lại gần nhau hơn. Không quá khi nói rằng quan hệ Việt Nam-Mỹ đang tới giai đoạn chín muồi.
Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận chuyến thăm này trong bối cảnh rộng lớn hơn của đường lối ngoại giao Việt Nam từ những năm 1990.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫy tay chào mọi người ở sân bay quân sự Andrews. |
Từ những năm 1990 của thế kỷ trước, Hà Nội đã tìm kiếm mối quan hệ hợp tác với tất cả các quốc gia trên thế giới, hội nhập một cách tích cực vào khu vực và thế giới với nguyên tắc xuyên suốt là ưu tiên lợi ích quốc gia. Đường lối ngoại giao đó được thể hiện rõ hơn trong thời điểm hiện nay. Các nhà quan sát đều dễ dàng nhận thấy đường lối ngoại giao của Việt Nam hướng tới sự cân bằng và thực tế: cân bằng một cách linh hoạt trong mối quan hệ với các cường quốc gần xa; nhìn nhận một cách thực tế lợi ích song phương, ứng xử mềm dẻo để mối quan hệ giữa các quốc gia trở nên ổn định và bền vững. Việt Nam hiểu rằng để có tiếng nói trên thế giới nói chung và ở Châu Á-Thái Bình Dương nói riêng cần có sức mạnh mềm của ngoại giao và sức mạnh cứng của kinh tế và quân sự.
Tầm quan trọng và ảnh hưởng của mối quan hệ Việt Nam-Mỹ không chỉ gói gọn trong phạm vi hai nước, Điều này càng có ý nghĩa hơn khi trật tự thế giới đang thay đổi: từ đơn cực sang đa cực, từ độc lập sang phụ thuộc lẫn nhau và đặc biệt là khi các mối quan hệ quốc tế đang là tổng hòa các mối quan hệ chính trị-ngoại giao, của các thực thể và lợi ích về an ninh-kinh tế. Điều này giải thích cho việc Việt Nam rất tích cực tham gia vào quá trình đàm phán hợp tác xuyên Thái Bình Dương. Cần phải hiểu rằng Việt Nam luôn bảo toàn quyền tự chủ khi định hướng ưu tiên ngoại giao, dựa vào nguyên tắc cân bằng linh hoạt và đảm bảo lợi ích quốc gia. Đây là lý do Việt Nam đang xây dựng các mối quan hệ tích cực, chặt chẽ với tất cả các đối tác quan trọng ở cả mức độ quốc gia và quốc tế, toàn cầu và khu vực.
Đối với Mỹ, Châu Á là một khu vực đang thay đổi với hàng loạt thách thức về an ninh và ổn định ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi thông thương của hơn một nửa lượng tàu vận tải thương mại thế giới.
Trước thực tế Trung Quốc đang nổi lên trong khu vực và có những hành động gây ảnh hướng tới không gian hàng hải quan trọng, các cường quốc và những nước chịu tác động trực tiếp của hành động này như Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác đang tìm cách buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp và thông lệ quốc tế.
Trong những năm đầu của Chiến tranh Lạnh, Mỹ là siêu cường duy nhất và từng tuyên bố trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc: "Chúng tôi sẽ hành động đa phương khi có thể và đơn phương khi bị buộc phải làm”. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, sự lựa chọn duy nhất là hợp tác song phương và đa phương.
Mối quan hệ Việt Nam-Mỹ đã đạt được cả hai tiêu chí này: quan hệ đối tác toàn diện song phương và quan hệ hợp tác bền vững trong và thông qua các kênh khu vực một cách đa phương. Cả hai phương diện này đều có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau. Sự chín muồi trong quan hệ Việt Nam-Mỹ sau khi bình thường hóa 20 năm trước đã song hành cùng với sự gia nhập ASEAN vào năm 1995 của Việt Nam, cùng với sự lớn mạnh của Việt Nam để trở thành một thành viên tích cực, đáng tin cậy, có trách nhiệm của tổ chức khu vực này.
Nói cách khác, Việt Nam và Mỹ có chung lợi ích khi xây dựng môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Biển Đông/Biển Hoa Đông. Điều này là điều kiện tiên quyết cho sự tự do và an toàn hàng hải vì lợi ích của các bên liên quan bất kể lớn-nhỏ hay xa-gần. Nhìn xa hơn, mối quan hệ này sẽ phải dựa trên việc tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi, dựa trên lòng tin và sự nhất quán, dựa trên hợp tác thiết thực ở cấp độ khu vực và quốc tế.
Nhìn từ góc độ lịch sử và trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới mới, mối quan hệ Việt Nam-Mỹ hậu chiến tranh có thể được coi là điển hình và chín muồi khi cả hai phía đều thể hiện quyết tâm và khả năng vượt qua quá khứ để nhìn về tương lai. Mối quan hệ này sẽ ngày càng được chăm sóc ở mức cao nhất khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tiếp đón tại Nhà Trắng và khi Tổng thống Barack Obama thăm Hà Nội trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ 2.
Mối quan hệ Việt Nam-Mỹ mang theo nhiều hứa hẹn trên các lĩnh vực khác nhau. Đó là hứa hẹn trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, những người đã hội nhập thành công, tích cực và đóng góp đáng kể cho xã hội. Rất nhiều trong số đó, đặc biệt là những người thuộc thế hệ thứ hai, đang giúp hai nước xích lại gần nhau hơn và đóng góp tích cực sự phát triển kinh tế, giáo dục và đặc biệt là phát triển xã hội Việt Nam. Sự năng động và khát vọng mãnh liệt của người Việt và người Mỹ gốc Việt trẻ sẽ giúp cho mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển trong tương lai.
Hòa An