Tệ hơn nữa, hành động quân sự chống Triều Tiên có thể dẫn đến đối đầu quân sự không mong muốn giữa Trung Quốc và Mỹ.
Christopher Hill, nhà ngoại giao Mỹ có nhiều kinh nghiệm nhất về các vấn đề Triều Tiên nói rằng một khi ông Kim Jong-un còn nắm quyền, sẽ không có cơ hội cho đối thoại. Ông nói: "Thực ra, chúng ta không biết ông ấy (Kim Jong-un) nghĩ gì. Chúng ta chỉ biết rằng ông ta có vẻ hoàn toàn không quan tâm đến đàm phán”.
|
Christopher Hill là nhà ngoại giao Mỹ có nhiều kinh nghiệm nhất về các vấn đề Triều Tiên. Ảnh: MI Asian |
Ông Hill nói rằng mối nguy hiểm thực sự là chính quyền Donald Trump ít hiểu biết về cách đối phó với mối đe dọa Triều Tiên và Bộ Ngoại giao Mỹ đang ở trong tình trạng hỗn loạn.
Chiến tranh Triều Tiên 2.0: Khủng khiếp gấp bội Chiến tranh Iraq
Tuy nhiên, trong chuyến thăm Đông Bắc Á tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bác bỏ khả năng đàm phán và không loại trừ hành động quân sự chống Triều Tiên. Đây là một động thái có thể dẫn đến thảm hoạ nhân đạo, việc sử dụng vũ khí sinh học và hạt nhân cũng như cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát Bán đảo Triều Tiên giữa Trung Quốc và Mỹ.
Tiến sĩ Euan Graham của Viện Lowy nhận định cho hay cuộc chiến trên Bán đảo Triều Tiên có thể sẽ khốc liệt hơn và tốn kém gấp bội cuộc chiến Iraq.
Những thách thức to lớn này khiến cho các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia trên thế giới đặt câu hỏi về cái giá phải trả của việc lật đổ nhà lãnh đạo Kim Jong-un và chương trình hạt nhân của ông.
Tiến sĩ Graham đặt câu hỏi: "Liệu có tốt hơn, nếu chung sống với mối đe dọa này và quản lý nó thông qua việc ngăn chặn và áp dụng những biện pháp trừng phạt như Mỹ từng làm với Trung Quốc và Liên Xô trong nhiều thập kỷ? Liệu có chấp nhận chi phí cao của cuộc suy thoái kinh tế tiềm năng ở Đông Bắc Á và cuộc xung đột quân sự có thể làm thiệt mạng hàng nghìn người, nếu không muốn nói là cao hơn? "
Mâu thuẫn Trung-Mỹ về cách giải quyết vấn đề Triều Tiên
Một yếu tố khiến cho vấn đề Triều Tiên trở nên phức tạp là các cường quốc hữu quan đang bất đồng về việc Triều Tiên sẽ ra sao vì đều có nhu cầu chiến lược cạnh tranh với nhau .
Bắc Kinh muốn chế độ mới ở Triều Tiên sẽ phục vụ lợi ích của Trung Quốc và lo ngại khả năng quân đội Mỹ hiện diện trên biên giới Trung-Triều.
Giáo sư Cheng Xiaohe của Đại học Nhân dân Bắc Kinh nói rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với làn sóng người tị nạn đến từ Triều Tiên, nếu xảy ra chiến tranh. Ông nói: "Hàng triệu người Bắc Triều Tiên sẽ tìm kiếm những nơi trú ẩn an toàn ở Trung Quốc hoặc vượt qua những bãi mìn trên vĩ tuyến 38 để chạy sang Hàn Quốc. Thậm chí hàng trăm ngàn người sẽ dùng tàu thuyền chạy sang các nước khác để tìm nơi ẩn náu”.
Hiện chưa rõ liệu nước Mỹ có dám mạo hiểm tiến hành một cuộc can thiệp quân sự qui mô lớn ở nước ngoài nữa hay không. Cuộc chiến Iraq gần như đã làm tan nát quốc gia Trung Đông này và khiến cho hàng trăm ngàn người thiệt mạng.
Trong khi đó, Hàn Quốc cũng không mấy mặn mà với phương án thống nhất. Tái thống nhất Bán đảo Triều Tiên sẽ tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD và đe đọa kéo tụt lùi nền kinh tế công nghệ cao của Hàn Quốc vốn lớn gấp 18 lần nền kinh tế của CHDCND Triều Tiên.
Tiến sĩ Jiyoung Song thuộc Hội đồng Đạo đức trong Các vấn đề Quốc tế của Viện Carnegie nói rằng thế hệ trẻ ở Hàn Quốc có rất ít điểm chung với những anh em của họ ở Triều Tiên. Hầu hết người Hàn Quốc đều lo lắng về mặt kinh tế, trong khi cái giá khổng lồ phải trả cho tái thống nhất sẽ làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và cạnh tranh về việc làm.
Nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu Christopher Hill cho rằng cách duy nhất là phối hợp chặt chẽ Trung Quốc trong việc đối phó với Bình Nhưỡng và xử lý hậu quả. Ông nói: "Chúng ta phải phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề (Triều Tiên) như thế nào. Tôi cho rằng chúng ta (Mỹ) cần phải làm điều đó và làm nhiều hơn thế nữa”.
Tuy nhiên, ông Hill nói cả hai bên phải vượt qua tình trạng nghi kị lẫn nhau: "Nhiều người Trung Quốc coi sự sụp đổ của Triều Tiên như là một thất bại của Trung Quốc và là một thắng lợi của Mỹ. Họ lo ngại Washington có thể lợi dụng điều này để đem lính Mỹ đến đường biên giới với Trung Quốc”.
Giáo sư Cheng Xiaohe cũng tán đồng nhận xét này và cho rằng Trung Quốc sợ bị Mỹ cho ăn trái đắng. Ông nói: "Tất cả các quốc gia hữu quan cần hợp tác để giải quyết những bất đồng và thông qua một quan điểm chung để xây dựng đất nước này (Triều Tiên) hòa bình ổn định và thực hiện các công việc sau khi tái thống nhất (Bán đảo Triều Tiên)”.
Mặc dù các chuyên gia đều kêu gọi một sự can dự toàn cầu để giải quyết vấn đề Triều Tiên, nhưng chính quyền Donald Trump dường như đang quay trở lại với chính sách hướng nội, đơn phương và biệt lập hơn với thế giới bên ngoài.
Minh Châu (Theo ABC News)