Đó là nhận định của nhà phân tích Kyle Mizokami - một cây viết về quốc phòng và an ninh cho các tạp chí danh tiếng như The Diplomat, Foreign Policy… và nhật báo Daily Beast - trong bài đăng trên tạp chí The National Interest ngày 29/6/2017.
Trong nhiều thập kỷ qua, đã xuất hiện những lời kêu gọi can thiệp quân sự để ngăn chặn chương trình tên lửa-hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có trong tay tên lửa phóng từ tàu ngầm. Ảnh: Spiegel Online |
Chỉ có điều, ngoài các cuộc không kích, các nhà hoạch định chính sách Mỹ luôn lo ngại chiến tranh toàn diện trên Bán đảo Triều Tiên có thể sẽ mang tính hủy diệt.
Vấn đề đã trở nên phức tạp hơn trong 23 năm qua, khi khu phức hợp Yongbyon đã đi vào hoạt động và nhanh chóng được sử dụng để sản xuất nguyên liệu chế tạo vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Do lo ngại trước quân đội khổng lồ của Triều Tiên đi kèm với các loại vũ khí hạt nhân, vũ khí hoá học và sinh học …, các nước láng giềng và Mỹ ít tính đến giải pháp quân sự nhằm ngăn chặn chương trình tên lửa-hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Vậy làm thế nào để ngăn cản Triều Tiên trở thành một cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân và Bình Nhưỡng sẽ đáp trả ra sao khi bị tấn công quân sự?
Theo nhà phân tích Kyle Mizokami, CHDCND Triều Tiên hiện có sẵn trong tay các phương tiện giáng trả, trong trường hợp bị tấn công xâm lược.
Thứ nhất, Triều Tiên có một quân đội khổng lồ. Mặc dù được trang bị vũ khí khí tài khá lạc hậu, nhưng Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) lại có đội quân thường trực bao gồm 1.190.000 binh sĩ. Không những thế học thuyết quân sự mà Triều Tiên đang theo đuổi lại khá hiếu chiến và Bình Nhưỡng sẽ tìm cách nhanh chóng tấn công hủy diệt thủ đô Seoul của Hàn Quốc, trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Triều Tiên cũng có nhiều loại vũ khí răn đe như vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và sinh học. Tuy Triều Tiên chỉ có một số lượng vũ khí hạt nhân khá ít ỏi, nhưng không ai biết chúng được cất giấu ở đâu, phương tiện mang vũ khí hạt nhân như thế nào và số vũ khí giết người hàng loạt này sẽ tấn công ở đâu. Những lo ngại tương tự cũng liên quan đến vũ khí hóa học của Triều Tiên. Đó là chưa kể , biệt kích Triều Tiên cũng có thể kích hoạt “bom bẩn” phát tán phóng xạ, tấn công các mục tiêu ở Hàn Quốc.
Các phương tiện phòng ngừa tấn công quân sự đầu tiên của Triều Tiên là lực lượng tình báo, trinh sát và các hệ thống cảnh báo giám sát. CHDCND Triều Tiên có hơn 40 trạm radar ven biển và hàng nghìn khẩu pháo phòng thủ duyên hải có kích cỡ từ 76 mm trở lên. Triều Tiên cũng có 50 căn cứ radar được bố trí trên khắp đất nước và có nhiệm vụ giám sát không phận 24/24 giờ.
Mặc dù vũ khí của Quân đội Nhân dân Triều Tiên không hiện đại như vũ khí của Mỹ và Hàn Quốc, nhưng Triều Tiên vẫn có thể lấy số lượng để bù đắp cho chất lượng. Các cuộc tấn công bằng lực lượng pháo binh vào thủ đô Seoul có thể sẽ đạt được một số thành công mang tính hủy diệt ban đầu, mặc dù sau đó có thể bị liên quân Mỹ-Hàn vô hiệu hóa. Các tàu ngầm của Triều Tiên cũng khá lạc hậu, nhưng cũng có thể gây tổn thất đáng kể cho tàu chiến của liên quân. Đó là chưa kể, Triều Tiên đã có trong tay tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và đất liền khá hiện đại, tuy chỉ là bản sao tên lửa Kh-35 của Nga.
Khả năng nguy hiểm nhất là Triều Tiên tiến hành chiến tranh du kích chống lại các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể dựa vào một số lượng lớn binh sĩ rất thông thạo chiến thuật đánh du kích để chống lại bất kỳ đội quân xâm lược nào. Lịch sử Triều Tiên cho thấy đây là một đất nước có truyền thống chống lại các thế lực xâm lược mạnh gấp bội.
Nhà phân tích Kyle Mizokami cho rằng Triều Tiên có thể dựa vào địa hình phức tạp và hệ thống đường hầm bí mật được dày công xây dựng khắp đất nước trong hơn nửa thế kỷ qua để tiến hành chiến tranh du kích hiệu quả, tiêu hao sinh lực đối phương và cuối cùng buộc kẻ thù phải ngồi vào bàn đàm phán.
Minh Châu (Theo The National Interest)