Reuters ngày 26/9 dẫn lời các quan chức Mỹ cảnh báo, sự đổ vỡ của lệnh ngừng bắn mới nhất ở Syria có thể dẫn tới việc các quốc gia vùng Vịnh sẽ trang bị cho quân nổi dậy tên lửa vác vai để bắn hạ các máy bay chiến đấu của Nga và Syria.
|
Sự đổ vỡ của lệnh ngừng bắn ở Syria có thể dẫn tới việc các nước vùng Vịnh trang bị cho quân nổi dậy tên lửa vác vai để bắn hạ các máy bay chiến đấu của Nga và Syria. Ảnh LA Times |
Nguồn tin này cũng khẳng định, chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục duy trì các cuộc đàm phán bởi đây là cách duy nhất để chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 5 năm qua ở Syria, đặc biệt trong bối cảnh quân đội Syria đang tăng cường tấn công Aleppo, đô thị lớn cuối cùng nằm dưới quyền kiểm soát của phiến quân.
Nguy cơ tiềm ẩn vì lệnh ngừng bắn đổ vỡ
Mọi nỗ lực để kết thúc cuộc chiến ở Syria “tan thành mây khói” vào ngày 19/9 khi một đoàn xe viện trợ nhân đạo bị đánh bom trong một cuộc tấn công mà Mỹ đổ lỗi cho Nga là thủ phạm. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ cáo buộc liên quan đến vụ việc này.
Một loạt các hoạt động ngoại giao nhằm cứu vãn lệnh ngừng bắn ở Syria sau đó đều không thu được kết quả. Hậu quả của thất bại này có thể dẫn đến việc các quốc gia vùng Vịnh Arab và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đẩy mạnh việc cung cấp vũ khí bổ sung cho phe nổi dậy, trong đó có cả tên lửa phòng không vác vai. Đây là điều mà Mỹ hoàn toàn không mong muốn.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho Reuters biết, Washington đã cố gắng phối hợp cùng các đồng minh Arab tham gia cuộc chiến ở Syria để hạn chế và loại bỏ khả năng các nhóm đối lập sở hữu tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) bởi điều này là cần thiết để theo đuổi các cuộc đàm phán với Moscow.
Tuy nhiên, với việc Mỹ đang “thất vọng ra mặt” sau những diễn biến mới nhất ở Syria, nhiều khả năng, các đồng minh vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tiếp tục làm theo chỉ dẫn của Mỹ và Washington có thể “nhắm mắt làm ngơ” để MANPADS rơi vào tay các nhóm đối lập.
“Saudi Arabia luôn nghĩ rằng đó là cách để người Nga phải chứng kiến kết cục như những gì từng xảy ra ở Afghanistan 30 năm về trước – vô hiệu hóa sức mạnh của không quân Nga bằng cách giao MANPADS cho quân du kích Hồi giáo”, một quan chức Mỹ khác nói.
“Cho đến nay, chúng tôi đã thuyết phục họ (Saudi Arabia) rằng, việc làm này trong thời điểm hiện tại có thể mang lại rủi ro nhiều hơn so với những gì xảy ra cách đây 30 năm bởi nhà lãnh đạo Nga hiện nay đã và đang tập trung xây dựng lại sức mạnh của quân đội và có ít khả năng ông ấy sẽ bị nao núng”, vị quan chức Mỹ đề cập đến Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Khi được hỏi liệu Mỹ có sẵn sàng làm điều gì ngoài khuôn khổ các cuộc đàm phán để chấm dứt bạo lực hiện nay ở Syria, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner không đề cập đến những biện pháp khác nhưng nhấn mạnh rằng, Washington không muốn ai đổ thêm vũ khí vào cuộc xung đột hiện nay ở Syria.
“Những gì mà bạn thu được sẽ chỉ là sự leo thang căng thẳng và hậu quả khủng khiếp. Mọi thứ có thể đi từ tình trạng xấu sang tồi tệ”, ông Toner nói về khả năng các bên liên quan đưa thêm vũ khí đến Syria.
Quyền phòng vệ
Không cùng quan điểm với ông Toner và các quan chức nói trên, một quan chức khác trong chính quyền Mỹ nói với Reuters rằng: “Phe đối lập có quyền tự bảo vệ mình và họ chắc chắn sẽ không bị bỏ mặc tự đối mặt với những cuộc bắn phá bừa bãi hiện nay”.
Vị quan chức giấu tên cho biết, các đồng minh và đối tác khác của Mỹ có liên quan đến tình hình Syria đã được phép tham gia vào tiến trình đàm phán với Nga – Mỹ để tìm ra giải pháp khả thi cho cuộc chiến hiện nay ở quốc gia Trung Đông này.
Những người chỉ trích Tổng thống Mỹ Barack Obama – người đã luôn tìm cách tránh “sa lầy” vào cuộc chiến ở Syria sau những bài học với nước Mỹ từ cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq lập luận rằng, chính sự miễn cưỡng sử dụng vũ lực của Nhà Trắng đã khiến mọi nỗ lực ngoại giao không mang lại hiệu quả.
Trong một tuyên bố mới được Thượng nghị sĩ John McCain và Lindsey Graham đưa ra, "các nỗ lực ngoại giao mà không có đòn bẩy sẽ là một công thức của thất bại”.
Tuyên bố của hai Thượng nghị sỹ này cũng cho rằng: “Cả ông Putin và ông Assad sẽ không tự nhiên làm theo yêu cầu của Mỹ. Họ phải bị ép buộc và điều đó đòi hỏi phải dùng đến sức mạnh. Cho đến khi Mỹ sẵn sàng thực hiện các bước đi để thay đổi cục diện trên thực địa thì chiến tranh, khủng bố và làn sóng người di cư chạy trốn chiến tranh cùng những bất ổn sẽ còn tiếp diễn”.
Hy vọng hòa bình cho Syria “chưa chết”
Trong khi Mỹ và Nga tỏ ra khá bi quan về khả năng làm sống lại lệnh ngừng bắn ở Syria thì ngày 26/9, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem đưa ra tuyên bố cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Nga làm trung gian vẫn tồn tại, khẳng định chính quyền Damascus sẵn sàng tham gia chính phủ đoàn kết.
Trong buổi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Mayadeen TV, ông al-Moallem cáo buộc Mỹ, Anh và Pháp triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an nhằm hậu thuẫn cho “những kẻ khủng bố” ở Syria. Mặc dù vậy, ông tin tưởng việc Nga và Mỹ tiếp tục liên lạc với nhau có nghĩa là thỏa thuận ngừng bắn “chưa chết”.
Bên cạnh đó, ông Moallem cũng xác nhận Chính phủ Syria đã đề xuất một lộ trình nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Syria, đồng thời nhấn mạnh Damascus sẽ ủng hộ việc trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới sau khi tổ chức bầu cử Quốc hội và thành lập chính phủ đoàn kết.
Tuy vậy, thiện ý này của Chính phủ Syria đã bị “dội một gáo nước lạnh” khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bác bỏ đề xuất nêu trên và cho rằng: “Các tuyên bố chính quyền Assad gần như là vô nghĩa vào thời điểm này. Tôi không nghĩ là phe đối lập sẽ hào hứng đàm phán khi mà họ đang bị ném bom và bỏ đói”.
Đáp lại những chỉ trích từ Mỹ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng ngày lên tiếng cáo buộc các nước phương Tây không tuân thủ những nghĩa vụ của họ về Syria.
Moscow bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình ở Syria, nơi “những kẻ khủng bố” đã lợi dụng thỏa thuận ngừng bắn để tái hợp lực lượng và phát động các cuộc tấn công mới nhằm vào binh lính Chính phủ Syria.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý rằng, những cáo buộc vô căn cứ nhằm vào Nga của Đại sứ Anh và Mỹ tại Liên Hợp Quốc có thể đe dọa triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng Syria và gây tổn hại tới các mối quan hệ song phương với Nga.
Tuy nhiên, ông Peskov nhấn mạnh, Moscow vẫn hy vọng vào một tiến trình chính trị ở Syria và không đánh mất niềm tin cũng như ý chí chính trị./.
Theo VOV