Bắc Kinh tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông kéo dài 3 tháng bắt đầu từ ngày 1/5, dài hơn 30 ngày so với năm trước, đồng thời hạn chế nhiều phương pháp đánh bắt cá. Theo VOA, lệnh cấm áp dụng ở Biển Đông, khu vực trên vĩ tuyến 12 dọc theo phía bắc đường xích đạo. Việt Nam và Philippines phản đối lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc.
|
Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc dùng vòi rồng xua đuổi tàu đánh cá Philippines trên Biển Đông. Ảnh: AP |
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc vẫn được ban hành sau khi Tòa Trọng tài quốc tế La Haye ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông hồi năm ngoái.
Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã thi hành các biện pháp hạn chế đánh bắt hải sản theo mùa trên Biển Đông, lần đầu tiên tuyên bố lệnh cấm vào năm 1995 bằng cách chặn bắt các tàu đánh cá nước ngoài.
Ông Douglas Guilfoyle, giáo sư luật quốc tế thuộc Đại học Monash (Australia) nói rằng im lặng và phản đối “không đồng nghĩa với việc chấp nhận quyền kiểm soát của bất cứ nước nào trên các vùng biển bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế tính từ bờ biển quốc gia”.
Giáo sư Guilfoyle nói: “Không ai buộc phải tranh cãi các tuyên bố chủ quyền không có cơ sở pháp lý. Luật pháp quốc tế đòi hỏi một quốc gia muốn áp đặt một quy định mới, phải được sự chấp nhận của các nước khác”.
Hồi tháng 3/2017, Việt Nam tuyên bố sẽ điều tàu ra bảo vệ các tàu đánh cá, chống lại việc thi hành lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc đơn phương áp đặt ở Biển Đông.
Ông Murray Hiebert, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói các tàu đánh cá có thể bị tuần duyên và cảnh sát biển Trung Quốc bắt giữ, hay đánh chìm. Ông nói: "Một số tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam sẽ tiếp tục ra khơi và đối mặt với nguy cơ bị sách nhiễu hoặc bắt giữ. Một số khác thận trọng hơn để tránh rắc rối."
Ông Zhang Hongzhou, nhà nghiên cứu Chương trình Trung Quốc tại Trường Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Nanyang ở Singapore, nói: "Điều này không chỉ xảy ra trong thời gian lệnh cấm đánh bắt có hiệu lực. Trong mùa đánh cá, nếu tàu Việt Nam tiến vào các vùng biển do Trung Quốc kiểm soát, lực lượng tuần duyên Trung Quốc và các tàu thực thi pháp luật khác sẽ có hành động chống họ”.
Ông Guilfoyle nói các nước phản đối việc Trung Quốc bắt giữ tàu có thể kiện lên Tòa Trọng tài quốc tế, ít nhất để đòi trả lại tàu.
Minh Châu (BT)