Tờ
Telegraph dẫn lời nhận định của chuyên gia David Gleave, người từng điều tra các tai nạn máy bay cho biết, các radar quân sự được đặt trên biển và trên đất liền của các quốc gia gần nơi
chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 chở theo 239 hành khách của hãng hàng không Malaysia Airlines đều có khả năng theo dõi chiếc máy bay này.
Tuy nhiên, việc tiết lộ mức độ về khả năng theo dõi của mạng lưới radar quân sự vô cùng nhạy cảm. Điều đó có nghĩa là, chính phủ các quốc gia và khu vực sẽ không muốn tiết lộ các radar của họ có khả năng theo dõi, giám sát được ở phạm vi cũng như mức độ nào.
“Các radar quân sự trên mặt đất hoặc trên biển đã quan sát và ghi lại được những gì là điều đầu tiên công chúng không bao giờ biết được”, ông Gleave nhấn mạnh.
|
Một hệ thống radar quân sự.
|
Ông Gleave đang công tác tại Đại học Loughborough như một chuyên gia hàng không cũng nhận định: “Chiếc máy bay mất tích tại một khu vực có mức độ căng thẳng chính trị phức tạp. Malaysia, Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Singapore do đó, đều triển khai mạng lưới radar quân sự dày đặc trong khu vực. Chiếc máy bay mất tích đáng ra phải xuất hiện trên một số hệ thống radar quân sự của một nước nào đó tại thời điểm mà nó mất tích. Tuy nhiên, chúng ta không thể biết được những radar này đã quan sát thấy gì. Họ (chính phủ các quốc gia) sẽ không công bố bởi không muốn các nước láng giềng xung quanh có khả năng đoán biết được khả năng quân sự của họ”.
Ngoài ra, chuyên gia Gleave cũng cho rằng, các tàu hải quân trong khu vực cũng được trang bị đầy đủ các trang thiết bị để có khả năng theo dõi máy bay xung quanh khu vực chúng hoạt động. Tuy nhiên, không có ai đưa ra bất cứ tuyên bố nào. Điều này cũng liên quan đến tính nhạy cảm trong việc công bố khả năng giám sát khu vực của lực lượng Hải quân các nước trong khu vực.
Hiện vị trí cuối cùng được công bố của chiếc máy bay mất tích là 065515 kinh độ bắc và 1033443 vĩ độ đông. Chiếc máy bay mất tích được cho là có thể đã bay vòng trở lại đã dẫn đến việc mở rộng tìm kiếm từ Biển Đông ở khu vực giữa bờ biển phía đông của Malaysia và bờ biển phía nam của Việt Nam tới eo biển Malacca và biển Andaman.
Hiện tổng diện tích tìm kiếm chiếc máy bay mất tích là hơn 93.000 km2, tương đương diện tích của Hungaria hoặc bang Indiana (Mỹ). Tuy nhiên, cho đến nay bất chấp những nỗ lực tìm kiếm, vẫn chưa tìm được bất cứ mảnh vỡ nào hoặc dấu vết của chiếc máy bay mất tích.
Bạch Dương (theo telegraph)