Brexit: Tổng thống Putin “ngư ông đắc lợi”

Google News

(Kiến Thức) - Theo giới phân tích, Tổng thống Putin “ngư ông đắc lợi” trong vụ Liên hiệp Anh rời EU và canh bạc mạo hiểm của ông đã cho kết quả đầu tiên.

Tuy các chính trị gia cực hữu như Nigel Farage (Anh), Geert Wilders (Hà Lan) hay Marine Le Pen (Pháp) đã ăn mừng chiến thắng sau vụ Brexit nhưng trên thực tế, “ngư ông đắc lợi” chính là Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Brexit: Tong thong Putin “ngu ong dac loi”
Tổng thống Putin “ngư ông đắc lợi” trong vụ Liên hiệp Anh rời Liên minh Châu Âu. Ảnh The Daily Beast 
Tổng thống Putin chắc chắn sẽ không bày tỏ lập trường về vụ Brexit vì ông cần duy trì địa vị của một chính khách tầm cỡ thế giới. Nhưng các kênh truyền thông nhà nước Nga thì không giấu nổi vui mừng vì từ lâu đã tiên đoán về khả năng Liên minh Châu Âu tự tan rã.
Vụ Liên hiệp Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu nhắc nhở người Nga về sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết. Quyết định Brexit chắc chắn là một bước ngoặt lịch sử, nhưng nó sẽ không dẫn đến một sự sụp đổ của nhà nước và trật tự kinh tế, như những gì đã thấy sau khi Liên bang Xô viết tan rã.
Theo Deutsche Welle, người ta không thể đổ lỗi cho các chính sách của Liên bang Nga làm gia tăng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi ở Châu Âu hoặc Mỹ. Những lý do khiến chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi gia tăng trên thế giới có thể được tìm thấy trong một loại các yếu tố nhân khẩu học, chính trị và kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, có dấu hiệu cho thấy điện Kremlin ngấm ngầm ủng hộ các nhóm dân túy và phản đối EU như Mặt trận Quốc gia của Marine Le Pen ở Pháp, Đảng Độc lập của Nigel Farage ở Anh hoặc các phong trào đòi độc lập của Scotland trong năm 2014.
Sự ổn định và khả năng hành động của EU đang bị suy yếu do sự tăng cường những khuynh hướng chủ nghĩa dân túy ở Châu Âu. Khuynh hướng này chủ yếu xuất hiện trong cánh hữu, nhưng cũng có những người cánh tả ủng hộ xu thế này.
Có thể nói rằng một Liên minh Châu Âu bất hòa có thể giúp Nga đạt được kết quả khả quan hơn trong các cuộc đàm phán với EU, đặc biệt là trong việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt Nga của Châu Âu.
Việc Liên hiệp Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu cho thấy chính sách đối ngoại Nga đã đạt được mục tiêu cao nhất. Trong vài năm tới, Liên minh Châu Âu sẽ phải dành nhiều thời gian để xử lý công việc nội bộ và không có thời gian nghĩ đến việc mở rộng EU. Đây là tin xấu cho Ukraine, Moldova và Gruzia vì việc mở rộng EU đến các nước thuộc Liên bang Xô viết và khu vực Balkan sẽ bị trì hoãn đến một thời điểm xa vời trong tương lai. Và việc EU nhanh chóng chấp thuận miễn thị thực cho Ukraine và Gruzia xem ra vẫn còn là điều bất khả thi.
Triển vọng gia nhập Liên minh Châu Âu của Ukraine, Moldova và Gruzia đã trở nên mờ mịt sau Brexit. Điều này có nghĩa là các nước này sẽ lại nằm trong ảnh hưởng lịch sử của Nga, mặc dù không ai trong Liên minh Châu Âu công khai sẽ thừa nhận điều đó.
Qua những gì phân tích ở trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin rõ ràng là một trong những người chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ở Liên hiệp Anh.
Chỉ có điều, với việc phe ủng hộ Brexit được công bố giành thắng lợi vào sáng ngày 24/6, đồng bảng Anh sụt giá thảm hại so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới và thị trường chứng khoán toàn cầu ngay lập tức bị “bốc hơi” 3.000 tỷ USD. 
Minh Châu (Theo DW)