Hôm 29/8, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-12 từ một khu vực gần Bình Nhưỡng qua không phận Nhật Bản vào Thái Bình Dương và cảnh báo sẽ tiếp tục phóng tên lửa.
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi một vụ phóng tên lửa thành công. Ảnh: The Sun |
Chuyên gia về chính sách đối ngoại và an ninh ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương Carl Baker giải thích với Sputnik vì sao Triều tiên tiếp tục phóng tên lửa và hy vọng đạt được những gì thông qua hành động này.
Theo Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), cuộc phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 ngày 29 tháng 8 là bước đầu tiên trong hoạt động quân sự của Quân đội Nhân dân Triều Tiên ở Thái Bình Dương và là một “khúc dạo đầu có ý nghĩa” để kiềm chế Guam.
Chuyên gia Carl Baker, cũng là Giám đốc Chương trình của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã nêu ra 4 lý do khiến Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa trong tương lai.
Thứ nhất, đó là một minh chứng về việc Triều Tiên có khả năng phóng tên lửa đến đảo Guam. Tên lửa Hwasong-12 được phóng ngày 29/8 đã bay xa 2.700 kilômét, thiếu 500 km so với khoảng cách giữa Bình Nhưỡng và Guam. Bằng cách tránh phóng tên lửa về phía Guam, Bình Nhưỡng tránh mọi cáo buộc nhắm vào tên lửa Triều Tiên vào lãnh thổ Mỹ.
Thứ hai, việc phóng thử này chứng tỏ sự tin tưởng của Bình Nhưỡng về độ tin cậy của tên lửa Hwasong-12 và hệ thống dẫn đường của nó. Làn thứ nhất, Triều Tiên chủ ý để cho tên lửa rơi xuống Biển Nhật Bản và lần thứ hai cho tên lửa rơi xuống Thái Bình Dương, với khoảng cách tương tự như giữa riều Tiên và đảo Guam.
Thứ ba, việc phóng thử tên lửa Hwasong-12 ngày 29/8 có thể là một sự phản bác lời đe dọa Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc sẽ giáng trả Bình Nhưỡng bằng “lửa và cuồng nộ”.
Và thứ tư, Triều Tiên đã chứng tỏ sự tự tin cao độ rằng các nước khác (Trung Quốc và Nga) sẽ ngăn cản Mỹ tiến hành bất kỳ đòn phủ đầu nào chống Binh Nhưỡng. Theo các chuyên gia, Bình Nhưỡng coi việc phóng tên lửa là một sự kết hợp giữa việc kiểm tra các đặc tính kỹ thuật của tên lửa và cơ hội leo thang căng thẳng trong khu vực, chia rẽ một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Mỹ.
Mặc dù khó có thể dự đoán hậu quả dài hạn của việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12, nhưng trong ngắn hạn, nó có thể chia rẽ các quốc gia nói trên, liên quan đến phản ứng của các nước này đối với vụ phóng tên lửa.
Minh Châu (Theo Sputnik International)