Giới nghị sĩ Mỹ trong tuần qua đã liên tục hối thúc Nhà Trắng triển khai giải pháp quân sự được gọi là “Kế hoạch B” nhằm chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng tại Syria.
Tâm lý thất vọng ngày càng gia tăng tại Quốc hội Mỹ sau khi lệnh ngừng bắn tạm thời đạt được ngày 9/9 giữa Mỹ và Nga đổ vỡ chỉ một tuần sau đó.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ảnh AP |
Chính quyền của Tổng thống Obama tuyên bố Nhà Trắng vẫn theo đuổi chiến lược chấm dứt cuộc chiến ở Syria thông qua các biện pháp chính trị-ngoại giao, song khẳng định Washington cũng để ngỏ các lựa chọn quân sự. The Hill - tờ báo chính thức của Quốc hội Mỹ, đã gợi ý bốn kịch bản quân sự mà Chính phủ Mỹ có thể xem xét áp dụng tại Syria.
1. Thiết lập vùng cấm bay
Quân đội Mỹ, cùng với các đối tác khác của Washington, có thể thiết lập một vùng cấm bay trên không phận Syria hoặc phần lớn lãnh thổ quốc gia Trung Đông này. Kịch bản này đồng nghĩa với việc các máy bay cần phải xin phép khi bay vào khu vực này, nếu không muốn bị bắn hạ.
Áp đặt vùng cấm bay cũng có thể giúp “loại bỏ” các hệ thống của chính quyền Syria, trong đó có các hệ thống tên lửa phòng không. Tuy nhiên, những người phản đối thiết lập vùng cấm bay chỉ trích rằng kịch bản này đòi hỏi một nguồn lực quá lớn và có thể ngăn trở cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria.
Bên cạnh đó, áp đặt vùng cấm bay có nguy cơ đẩy Mỹ rơi vào một cuộc chiến với Nga hoặc Syria nếu như hai nước này vi phạm lệnh cấm.
Tuy vậy, những người ủng hộ vẫn tin rằng Nga sẽ không mạo hiểm tham chiến với Mỹ, đồng thời khẳng định áp đặt vùng cấm bay là lựa chọn tốt hơn tình thế hiện nay ở Syria, nơi các lực lượng của Nga và trung thành với Damacus đang tiến hành chiến dịch không kích bừa bãi.
Ông Michele Flournoy, người được đồn đoán sẽ giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nếu bà Hillary Clinton trúng cử tổng thống tháng 11 tới, bày tỏ ủng hộ kịch bản thiết lập vùng cấm bay.
2. Lập các vùng an toàn
Quân đội Mỹ cũng có thể lập các vùng an toàn, nơi cho phép dân thường lánh nạn trước các mối đe dọa quân sự. Kịch bản này có thể giúp giảm bớt dòng người tị nạn Syria đang đổ sang các quốc gia láng giềng và châu Âu.
Những khu vực này có thể được bảo vệ trên thực địa bởi một liên minh quốc tế gồm các nước láng giềng, hoặc có thể một số nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Mỹ cũng có thể sử dụng các hệ thống tên lửa Patriot bố trí ở Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ các vùng an toàn đó. Tướng về hưu Jack Keane, một cựu Phó Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, gợi ý thiết lập hai vùng an toàn tại các khu vực Syria giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.
Tuy nhiên, những người phản đối kịch bản này cho rằng vùng an toàn sẽ đòi hỏi triển khai một lực lượng tình báo, do thám lớn, cũng như phải triển khai bộ binh để bảo vệ. Ông David Petraeus, cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đánh giá “hiện đã quá muộn” để thiết lập các vùng cấm bay hay vùng an toàn ở Syria.
3. Tiêu diệt lực lượng Không quân Syria
Mỹ nên thực hiện kịch bản này nếu muốn xóa sổ lực lượng Không quân của Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Trung tướng về hưu David Deptula, hiện là Giám đốc Viện Mitchell về Nghiên cứu không gian vũ trụ ở Mỹ, đánh giá đây là lựa chọn dễ dàng nhất, tiết kiệm kinh phí và nhanh nhất. Tuy nhiên, kịch bản này sẽ là hành động “gây chiến” của Mỹ đối với Chính quyền Syria, vốn là điều gì đó Nhà Trắng tới nay vẫn muốn né tránh.
4. Cung cấp vũ khí mới cho quân nổi dậy
Kịch bản thứ tư là cung cấp các hệ thống phòng không, bao gồm cả tên lửa vác vai, cho quân nổi dậy đang chiến đấu chống Chính quyền Damascus. Vũ khí phòng không có thể giúp quân nổi dậy bắn hạ các máy bay chiến đấu của Nga và Chính phủ Syria, đặc biệt là những máy bay trực thăng quân sự.
Theo Tướng Jack Keane, vũ khí phòng không có thể do Mỹ hoặc các đồng minh cung cấp. Mặc dù Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ John McCain ủng hộ phương án này, song tới nay Chính quyền Tổng thống Obama vẫn lo ngại nguy cơ các khí tài phòng không rơi vào tay các nhóm khủng bố.
Theo Báo Tin tức/TTK