Hầu hết các cuộc thảo luận về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đều tập trung vào cụm từ "có thể” . Liệu Triều Tiên có thể thu nhỏ vũ khí hạt nhân? Liệu Bình Nhưỡng có thể lắp vũ khí hạt nhân vào tên lửa đạn đạo? Liệu quốc gia bí ẩn này có thể chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bắn tới nước Mỹ?
|
Hình ảnh một vụ thử bom H trong năm 1952. Ảnh: The Telegraph |
Rõ ràng, đây là những câu hỏi quan trọng. Nhưng chúng lại không bao gồm một câu hỏi tối quan trọng khác. Đó là: Sự khác biệt nào sẽ xảy ra nếu CHDCND Triều Tiên sở hữu bom H (bom khinh khí)?
CHDCND Triều Tiên sẽ tạo ra một sự khác biệt “một trời, một vực”, khi trở thành quốc gia duy nhất không nằm trong số 5 nước thành viên thường trực HĐBA LHQ sở hữu bom H.
Triều Tiên hiện có lực lượng hạt nhân mạnh hơn Trung Quốc hồi những năm 1960. Thêm bom H vào kho vũ khí, khả năng tấn công tàn phá của Triều Tiên còn trở nên nguy hiểm gấp bội. Không một nước nào có thể đi quá xa trong việc gây áp lực đối với chế độ ở Bình Nhưỡng. Bất kỳ kế hoạch tấn công CHDCND Triều Tiên đều gắn liền với câu hỏi: “Hậu quả sẽ ra sao, nếu để lọt lưới một số tên lửa hạt nhân của Triều Tiên?”. Bây giờ lại có thêm câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu để lọt lưới một quả bom H?”.
Một quả bom H sẽ có một tác động đặc biệt đến hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Triều Tiên. Hiện thời, Bình Nhưỡng đang chuyển sang sử dụng hệ thống các bệ phóng di động, trên đất liền và trên tàu ngầm. Việc chỉ huy và kiểm soát lực lượng hạt nhân di động là rất phức tạp.
Việc Triều Tiên sở hữu bom H cũng gây ra một số vấn đề "đau đầu, nhức óc".
Thứ nhất là nguy cơ đảo chính, một vấn đề luôn ám ảnh các nhà lãnh đạo họ Kim qua nhiều thế hệ. Trong trường hợp một nhóm sĩ quan Triều Tiên làm đảo chính kiểm soát một quả bom H, không loại trừ khả năng quả bom này sẽ bị kích nổ để không “rơi vào tay kẻ xấu”.
Một vụ nổ bom H (kể cả trong trường hợp xảy ra tai nạn bất ngờ) sẽ tạo ra đám mây phóng xạ lan xa gấp bội vũ khí hạt nhân phân hạch. Một quả bom H phát nổ ở Triều Tiên sẽ gây ra đám mây phóng xạ bao trùm Hàn Quốc, Nhật Bản và vài ngày sau lan sang nước Mỹ.
Với bán kính sát thương khổng lồ của nó, bom H quả là mối đe dọa hạt nhân nguy hiểm của CHDCND Triều Tiên đối với Đông Bắc Á vốn đã bị coi là “thùng thuốc súng” chực chờ phát nổ.
Minh Châu (Theo The National Interest)