Các binh lính Nga chia sẻ những thông tin lại gây ra một ảnh hưởng địa chính trị nghiêm trọng khi mà một vài trong số họ công bố sự hiện diện của họ ở trong hoặc gần miền đông Ukraine. Và tất nhiên, các quân nhân Nga làm điều này một cách hoàn toàn không cố ý.
|
Người dùng Vkontakte Vladislav Laptev đã đăng lại một bức ảnh do lính Nga tên Vadim Grigoryev. Theo đó, ở bức ảnh đăng lên ban đầu, người lính Vadim đưa ra dòng chia sẻ: "Chúng tôi đã bắn sang phía Ukraine suốt đêm".
|
Việc lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine có liên hệ mật thiết với cơ quan tình báo Nga luôn là một vấn đề bí mật. Tuy nhiên, nhiều lần Moscow đã phủ nhận các cáo buộc này. “Tất cả cáo buộc đó đều không có ý nghĩa gì cả. Không có bất cứ đơn vị hay lực lượng đặc nhiệm và cả các hướng dẫn của Nga ở đông Ukraine nào”, Tổng thống Putin hồi tháng 4 quả quyết như vậy.
Tuy nhiên, các binh sĩ Nga lại đang ngầm tố cáo tuyên bố trên của ông Putin. Theo đó, vào ngày 30/7, nam thanh niên tên Max Seddon trong lúc lang thang trên mạng đã tình cờ trông thấy các tấm ảnh trên Instagram của binh sĩ Nga 24 tuổi Alexander Sotkin. Sotkin là một kĩ sư điện tử truyền thông. Trong số các bức ảnh “tự sướng” của mình, người xem có thể suy đoán nơi binh sĩ Sotkin đang đóng quân: đó là khu vực miền nam nước Nga.
Hai trong số các bức ảnh của người lính này, các độc giả sẽ nhận ra Sotkin đang ở khu vực miền đông Ukraine bằng tính năng đánh dấu vị trí GPS trên chiếc điện thoại hay máy tính bảng của anh này. Theo đó, độc giả trông thấy Sotkin xuất hiện ở hai ngôi làng do quân biểu tình Ukraine kiểm soát, đó là Krasna Talycha và Krasny Derkul.
Dường như, hoạt động bảo mật an ninh (OPSEC) trên mạng xã hội đối với người binh sĩ Nga này còn là một vấn đề mà anh ta chưa mấy tỏ tường.
Trong khi chiến thuật và chiến lược chung của quân đội chuyên nghiệp trên toàn thế giới có thể thay đổi, nhưng các hành vi của binh sĩ có thể khá giống nhau. Đặc biệt, một người lính sẽ rất muốn chia sẻ một tấm ảnh của mình trên trang xã hội để cho bạn bè, người thân biết mình đang ở đâu, làm gì. Tuy nhiên, hành vi này của anh ta sẽ thực sự gây ra hậu quả khôn lường nếu một ai đó bên ngoài nhóm bạn phát hiện.
|
Ảnh chụp màn hình một dòng chia sẻ bài trước đây trên tường Vadim Grigoryev. Bức ảnh này chú thích như sau: "Chúng tôi ở khu vực biên giới với Ukraine 2 tuần nay rồi mà chưa tắm rửa gì cả." |
Ở một trường hợp khác, binh sĩ Nga đã viết một dòng chia sẻ trên trang Vkontakte (phiên bản Nga của trang Facebook) với nội dung là bày tỏ sự tự hào về việc đoàn xe quân sự Nga mang theo hệ thống tên lửa Grad tiến vào Ukraine. Và phóng viên Ukraine của đài
BBC Myroslava Petsa đã “chộp” được dòng chia sẻ đó.
Người binh sĩ Nga đó (tên là Vadim Grigoryev) sau đó xóa tài khoản của mình và tuyên bố rằng, tài khoản của anh ta đã bị hack. Tuy nhiên, những người dùng Vkontakte nhanh chóng chụp màn hình lại và sau đó đưa thông tin này lên.
Ngoài ra, một chứng cứ nữa về sự dính líu của Nga vào cuộc khủng hoảng Ukraine cũng bị phơi bày. Theo đó, vào ngày 31/7, trang báo mạng chuyên cập nhật các tin tức về Ukraine tên The Interpreter đưa tin rằng, các xe tăng và các rocket loại Grad của Nga bị phát hiện đang tràn qua biên giới để sang đất Ukraine. Thông tin này hiện vẫn chưa được xác nhận.
Dường như các binh sĩ Nga đang vô tình “phản bác” lại tuyên bố của Tổng thống Putin nhưng cũng cần lưu ý là các thông tin đăng tải trên mạng xã hội không thể kiểm chứng, nhất là khi những tài khoản này đã bị xóa.
Người Nga cũng có sự đề phòng của mình. Vào ngày 30/7, một nhà lập pháp Nga đưa ra đề xuất bản dự luật cấm các binh lính đăng ảnh về các thiết bị quân sự hay các tuyến đường hành quân của đơn vị mình ngay cả khi đó không phải là một bí mật.
Thanh Nga (theo BI)