|
Campuchia đón tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
|
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài hai ngày đến Campuchia hôm 20/8, trong bối cảnh Trung Quốc đang có một loạt tranh chấp với các nước khác trong khu vực và Mỹ đang ngày càng quan tâm đến những cuộc tranh chấp đó.
Theo chương trình nghị sự, Bộ trưởng Vương Nghị sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Campuchia Hun Sen và tiến hành hội đàm với người đồng cấp Hor Namhong.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đến Phnom Penh chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh vừa thông báo món quà mới nhất trị giá 14 triệu USD dành cho Campuchia. Đó là những chiếc máy quét an ninh mà Campuchia có thể sử dụng ở các điểm kiểm soát an ninh ở khu vực biên giới.
Campuchia đã nhận gần 3 tỉ USD tiền viện trợ phát triển của Trung Quốc trong hơn 2 thập kỷ qua. Mối quan hệ này đang được củng cố trong bối cảnh Trung Quốc gây sự với một loạt quốc gia Đông Nam Á vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông. Trung Quốc tăng cường thắt chặt quan hệ với Campuchia khi mà Mỹ và các nước phương Tây đang ngày càng quan tâm đến khu vực Đông Nam Á hơn.
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 diễn ra ở Campuchia được xem là một thất bại cay đắng bởi lần đầu tiên trong lịch sử ra đời và tồn tại của hiệp hội này, các thành viên không đạt được sự đồng thuận để ra một tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị. Lý do là Trung Quốc đã gây sức ép buộc nước chủ nhà cũng là Chủ tịch luân phiên khi đó của ASEAN-Campuchia không đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông vào tuyên bố chung.
Sau hội nghị trên, người ta bắt đầu hiểu rõ hơn “âm mưu” của Trung Quốc. Nước này rõ ràng đã tìm cách chia rẽ ASEAN để dễ bề đối phó với các nước đang có tranh chấp ở Biển Đông.
Trung Quốc dùng tiền lôi kéo đồng minh
Vốn là nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và lớn thứ nhất khu vực Châu Á, Trung Quốc đã dùng sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế của mình để thiết lập quan hệ thân thiết với các nước ASEAN đang có nhu cầu phát triển kinh tế cao như Campuchia…Trong đó, Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến phát triển mối quan hệ kinh tế với Campuchia. Cường quốc số 1 Châu Á mạnh tay đầu tư vào Campuchia, với tổng vốn đầu tư thường gấp nhiều lần do với mức đầu tư của ASEAN hay Mỹ vào quốc gia Đông Nam Á này.
Vì thế, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Campuchia gắn bó đến mức đã có những lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Campuchia. “Tiền của Trung Quốc đi kèm với những ràng buộc về hình thức kinh doanh và những lợi ích chính trị”, ông Heng Pheakdey – Giám đốc sáng lập ra Viện Phát triển Bền vững Enrich, đã nhận định như vậy.
"Trong khi Campuchia cần tiền của Trung Quốc để phát triển kinh tế thì Trung Quốc lại cần Campuchia vì những lý do chiến lược và chính trị”, ông Heng Pheakdey – người chuyên nghiên cứu về mối quan hệ Trung Quốc-Campuchia, cho biết thêm.
Trung Quốc hiện vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Campuchia và là một đối tác thương mại không thể thiếu của quốc gia Đông Nam Á này. Các công ty Trung Quốc đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác tài nguyên bất chấp những cáo buộc về việc các công ty này bị các nhà hoạt động nhân quyền và môi trường tố cáo là hoạt động không bền vững và không công bằng.
Nhà phân tích Heng Pheakdey cho biết, nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và khai thác tài nguyên thiên nhiên, thường đi kèm với chất lượng kém và thiếu quan tâm đến những ảnh hưởng đối với xã hội cũng như môi trường khu vực.
Thách thức của Trung Quốc ở Campuchia chính là việc phải tạo dựng lại hình ảnh một đối tác đáng tin cậy bằng cam kết phát triển bền vững. "Trung Quốc cần tập trung hơn vào chất lượng chứ không phải số lượng”, ông Heng Pheakdey nói.
Mối quan hệ liên minh giữa Trung Quốc và Campuchia trên thực tế đang gắn bó khá chặt chẽ.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, hai nước này cần phải cẩn thận để không lặp lại điều đã xảy ra ở Myanmar. Trung Quốc từng có mối quan hệ liên minh gắn bó không kém với Myanmar nhưng người dân nước này sau đó ngày càng hoài nghi về ý định của Bắc Kinh trong quan hệ với họ.
Ngoài ra, Myanmar từng ở trong vòng tay của Trung Quốc nhưng sau khi Mỹ quay trở lại khu vực, mở rộng vòng tay với Myanmar thì mối quan hệ liên minh Myanmar-Trung Quốc bắt đầu lỏng dần. Trường hợp của Campuchia sẽ không ngoại lệ nếu Trung Quốc không thành công trong việc xây dựng lại hình ảnh là một đối tác tin cậy.
Theo VnMedia