Hành động tiếp tục quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc là một vấn đề gây nhiều tranh cãi, giữa lúc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang cố gắng đạt được Bộ Qui tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhằm ngăn chặn hành động quân sự và xung đột trên biển.
|
Nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận ở Biển Đông. Ảnh Hindustan Times |
Ngày 21/2, tại hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, nói việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các “đảo nhân tạo” mà nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông là "mối quan ngại nghiêm trọng”.
Philippines giữ cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm nay.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang (Cảnh Sảng) nói tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng phat biểu của Ngoại trưởng Philippines về việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông là "khó hiểu và đáng tiếc". Ông Geng Shuang nói thêm rằng điều này hoàn toàn trái ngược với các thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc cải thiện quan hệ song phương .
Trong khi đó, ông Arsenio Andolong - giám đốc quan hệ công chúng của Bộ Quốc phòng Philippines (DND)- nói với DW rằng việc Trung Quốc lắp đặt thiết bị, lập căn cứ quân sự tại các vùng biển tranh chấp và trên các “đảo nhân tạo” (mà nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông) là "rất đáng lo ngại."
Ông Arsenio Andolong nói: "Những khu vực nói trên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của chúng tôi. Những hành động này không phù hợp với những tuyên bố của chính phủ Trung Quốc về hòa bình và hữu nghị”.
Trong năm 2013, Philippines đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc lên Toà Trọng tài Thường trực (PCA), một tòa án quốc tế ở The Hague. Tháng Bảy năm ngoái, PCA phán quyết rằng yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trong phạm vi cái gọi là “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò tham lam phi lý do người Trung Quốc tự vẽ ra trong Thế kỷ 20) là không có cơ sở lịch sử và pháp lý.
Thế nhưng, sau khi nắm quyền, chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte đã phát đi tín hiệu thân thiện với Trung Quốc bằng quyết định không gây áp lực, buộc Bắc Kinh tuân thủ phán quyết PCA.
Xét từ góc độ quân sự, Bộ Quốc phòng Philippines coi phán quyết Biển Đông của PCA là một đòn bẩy mạnh trong cuộc đàm phán với Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ ở "Biển Tây Philippines" (Biển Đông).
Giám đốc Andolong cũng nhấn mạnh rằng Bộ Quốc phòng Philippines luôn “quan ngại và cảnh giác” trước các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Sau chuyến thăm Trung Quốc cấp nhà nước của Tổng thống Duterte trong tháng 10/2016, những lợi ích song phương chung đã được chính thức hóa trong 13 hiệp định cấp chính phủ về thương mại- đầu tư, tài trợ cơ sở hạ tầng công cộng và du lịch trị giá khoảng 22,6 tỷ euro. Ngư dân Philippines cũng có thể đánh bắt ở khu vực bên ngoài bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc chiếm giữ.
Nhưng bất chấp “nhánh ô liu” này, Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông.
Hãng tin Reuters ngày 23/2 dẫn lời hai quan chức Mỹ nói rằng Trung Quốc đã gần như hoàn tất việc xây dựng hơn hai chục cấu trúc được cho là chứa tên lửa đất-đối-không tầm xa trong ba rạn san hô (bị Bắc Kinh bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo) ở nam Biển Đông mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền.
Philippines đang đối mặt với thách thức tinh tế liên quan đến việc cân bằng quan hệ với Trung Quốc, do ảnh hưởng kinh tế-quân sự to lớn của Bắc Kinh trong khu vực.
Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Chito Sta. Romana nói với DW: "Các vấn đề này sẽ được tách ra thành hai phần. Vấn đề không tranh cãi bao gồm kinh tế, thương mại và giáo dục. Đây là những vấn đề chúng ta có thể di chuyển về phía trước một cách nhanh chóng. Những vấn đề gây tranh cãi không thể tiến nhanh như vậy. Những gì không thể giải quyết, chúng tôi sẽ cố gắng để xử lý không làm leo thang tranh chấp... Ngoại giao luôn là một chiến lược tốt cho một quốc gia trung bình với một quân đội yếu".
Nhưng cũng có những đánh giá kém lạc quan về khả năng Philippines đạt được những nhượng bộ từ phía Trung Quốc. Giáo sư Richard Heydarian, một nhà phân tích địa chính trị tại De La Salle Đại học tại Manila, nói với DW: "Tổng thống Duterte tuyên bố rằng chúng tôi có mối quan hệ song phương bình thường (với Trung Quốc). Nhưng để cho điều đó xảy ra, phải có một số nhượng bộ về một loạt các vấn đề - trong đó có vấn đề Biển Đông".
Bộ Quốc phòng Philippines cũng tái khẳng định quan điểm này, khi tuyên bố bộ sẽ thúc đẩy việc hoàn thiện Các quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để tránh xảy ra bất kỳ sự cố đáng tiếc nào.
Minh Châu (Theo DW)