Tình hình Biển Đông một năm qua
Bàn về vấn đề Biển Đông, ông Vũ Hồ, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao nhận định, tình hình Biển Đông trong năm qua có nhiều diễn biến phức tạp. Trong đấu tranh pháp lý về Biển Đông có phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế vào tháng 7/2016.
|
Tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông. Ảnh Reuters |
Trong đấu tranh chính trị, vấn đề Biển Đông được ASEAN đề cập không những trong tất cả các hội nghị các cấp của ASEAN mà còn được giới truyền thông quốc tế và khu vực theo dõi sát sao.
“Bên cạnh đó, ASEAN - Trung Quốc đã đạt được một số tiến bộ nhất định, trong đó có việc hai bên đều cam kết thực hiện đầy đủ tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Đồng thời, ASEAN và Trung Quốc cũng đã thỏa thuận sẽ phấn đấu sớm xây dựng thành công Bộ qui tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC), cố gắng phấn đấu để đạt được khung COC trong năm 2017”, ông Vũ Hồ cho biết thêm.
Ông Vũ Hồ nói: “Lập trường của ASEAN đã được định hình một cách rõ nét, đó là đóng góp một cách thiết thực cho hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông, giải quyết tất cả các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS”.
Còn ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết, sau phán quyết của Tòa Trọng tài, tình hình trên khu vực Biển Đông đang phát triển theo hướng ổn định. Trong khi nửa đầu năm 2016, tình hình khá căng thẳng thì đến nửa cuối năm cho đến nay, tình hình đã dịu đi ít nhiều.
COC sẽ là trọng tâm 2017
Ông Thái cho biết thêm, năm 2017 sẽ là một năm biến động và khó lường của thế giới. Hiện nay nhiều nhà hoạch định chính sách trên thế giới và trong khu vực, kể cả ở Việt Nam, chưa tiên liệu được những diễn biến sẽ xảy ra trong năm tới. Ví dụ như Mỹ, với chính quyền mới của ông Donald Trump, ông ấy sẽ đi được đến đâu trong vấn đề Biển Đông, liệu có duy trì được cam kết mạnh mẽ như dưới thời ông Obama hay không và đến mức nào, thì chưa có ai biết được.
“Năm 2017, tôi cho rằng Trung Quốc đã cam kết rất rõ và họ sẽ đẩy mạnh COC. Sang năm, Trung Quốc có Đại hội 19 nên có thể họ sẽ tránh gây ra những gì ồn ào, ầm ĩ dẫn đến chỉ trích trên thực địa”, ông Thái nói.
Ông Thái nhận định, trước đây ASEAN muốn dùng chính COC để ràng buộc Trung Quốc thì hiện nay có nguy cơ Trung Quốc sẽ dùng chính COC để ràng buộc ASEAN theo những điều khoản mà Trung Quốc mong muốn và họ sẽ dùng điều này để lấn át ASEAN.
Ông Thái nói thêm: “Vừa rồi tại Siem Reap, Trung Quốc đã mở một tọa đàm với các nước ASEAN để bàn về COC. Năm 2017, nhiều khả năng trọng tâm sẽ là COC nhưng để COC là công cụ của ASEAN và có tác dụng cho ASEAN là một vấn đề khó cho các nhà ngoại giao”.
Đoàn kết để giữ hòa bình, ổn định
Ông Trần Việt Thái phân tích, từ vị trí địa lý và tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á, các nước lớn luôn coi đây là một trong những khu vực chiến lược của họ. Bởi vậy, việc nước lớn có quan hệ với các nước ASEAN cũng như ảnh hưởng ở đây là điều tất yếu, không thể tránh được và ngoài ý muốn chủ quan của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, các nước lớn có ảnh hưởng như thế nào, mức độ ra sao còn phụ thuộc vào tình hình và thời điểm. Các nước vừa và nhỏ tốt nhất là phải liên kết lại với nhau, một bó đũa chắc chắn sẽ mạnh hơn một chiếc đũa.
Ông Thái cho biết, ASEAN những năm qua đã phát triển được một bộ thể chế để: Một là mời các nước vào đây xử lý bàn bạc về các vấn đề. ASEAN đã phát triển được văn hóa đối thoại trong các lĩnh vực khác nhau rất có lợi cho hòa bình và ổn định. Thà rằng cãi nhau trên bàn đàm phán còn hơn là dùng vũ lực. Đó là thế mạnh của ASEAN.
Hai là, ASEAN cũng đã mở đủ lớn về mặt chính sách và đã phát triển đến một mức độ là không một nước lớn nào có thể bỏ qua khối này được.
Ba là, ASEAN đã khôn khéo biết vận dụng những nguyên tắc, chuẩn mực được quốc tế thừa nhận rộng rãi để xây dựng những cơ chế, quy định mà các nước lớn không thể bác bỏ được. Ví dụ như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) bắt buộc các bên khi đã ký kết thì không được dùng vũ lực, đó là nguyên tắc.
Nếu ASEAN biết đoàn kết chặt chẽ thì Trung Quốc hay một nước lớn nào đó đi chăng nữa cũng không thể làm gì được. Thực tế cho thấy, Trung Quốc đã chấp nhận ký vào TAC, tham gia vào cơ chế do ASEAN dẫn dắt, có nghĩa là đã chấp nhận những luật chơi do ASEAN đặt ra. Nếu các nước trong khu vực đoàn kết, hợp tác với nhau thì những luật chơi ấy sẽ được giữ vững.
Tránh bị chi phối
Ông Thái cho rằng, để tránh việc bị các nước lớn chi phối, việc đầu tiên là mỗi quốc gia phải ý thức được và xử lý tốt giữa trách nhiệm quốc gia và quan hệ tập thể, đây là việc cực kỳ quan trọng. và phải có ý thức đóng góp cho “lợi ích chung” ASEAN. Mỗi một cá nhân không thể tách ra khỏi tập thể, đơn thương độc mã khiến cho không có việc gì thành công.
Việc thứ hai là cần củng cố các cơ chế hoạt động để thể chế này vững mạnh hơn, hiệu quả hơn.
Thứ ba, các nước, nhất là những nước có vai trò lớn, có tiếng nói trong ASEAN như Indonesia, Singapore cần phải phát huy thế mạnh của mình. Tức là ASEAN cần phải có người dẫn dắt.
Thứ tư là thu hẹp khoảng cách phát triển. Khi các nước nghèo phát triển được về kinh tế sẽ đỡ bị cám dỗ từ bên ngoài hơn. Đây là việc rất quan trọng.
Cuối cùng cần phải cập nhật Hiến chương ASEAN nhanh chóng, củng cố một số cơ chế để đảm bảo xử lý hiệu quả các vấn đề còn tồn đọng trong ASEAN để không bị các thế lực bên ngoài, các nước lớn lợi dụng để chi phối./.
Theo Phương Chi/VOV.VN