Nhận định Trung Quốc mất bạn bè ở Đông Nam Á là của bài viết mang tên “Canh bạc lớn Biển Đông của Trung Quốc” đăng trên trang mạng Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI).
Từ lâu, ngư dân Việt Nam và Philippines vốn vô cùng tức giận trước hành vi bạo lực của tàu Cảnh sát biển Trung Quốc. Hành động ngang ngược của Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 đã dẫn đến tình trạng đối đầu giữa các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam và Trung Quốc.
Các vấn đề như tự do hàng hải bị đe dọa và khả năng Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông cũng dẫn đến tâm trạng bất an của các nước trong khu vực. Nếu xu hướng này tiếp tục, nhiều khả năng quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á sẽ trở nên xấu đi và Bắc Kinh có thể mất dần bạn bè trong khu vực.
|
Hải quân và Cơ quan Chấp pháp Hàng hải Malaysia triển khai nhiều tàu và máy bay giám sát hoạt động của tàu Cảnh sát biển Trung Quốc.
|
Một trong những dấu hiệu cho thấy xu hướng này là tình trạng đối đầu đang diễn ra giữa Malaysia và Trung Quốc do sự hiện diện của tàu Cảnh sát biển Trung Quốc Haijing (CCG-1123) neo đậu tại Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia. Sau khi nhìn thấy tàu Cảnh sát biển Trung Quốc ở Luconia Shoals cách bờ biển Sarawak gần 90 hải lý về phía bắc, Chính phủ Malaysia đã ra lệnh cho lực lượng Hải quân và Cơ quan Chấp pháp Hàng hải Malaysia (MMEA) triển khai nhiều tàu và máy bay giám sát hoạt động của tàu Trung Quốc.
Tư lệnh Hải quân Malaysia Abdul Aziz Jaafar bày tỏ lo ngại về sự xâm nhập của tàu Trung Quốc và thông báo rằng lực lượng của ông đã liên tục theo dõi bám sát con tàu này. Kể từ tháng 9/2014, số vụ xâm nhập của tàu Trung Quốc vào vùng biển Malaysia đã tăng lên. Tư lệnh Hải quân Jaafar cũng rất thất vọng trước việc tàu Trung Quốc đã phớt lờ những lời cảnh báo và yêu cầu phải rời khỏi vùng biển Malaysia.
|
Luconia Shoals nằm sâu trong EEZ của Malaysia.
|
Bộ trưởng An ninh Quốc gia Malaysia Shahidan Kassim nói rằng Luconia Shoals nằm trong EEZ của Malaysia và cảnh báo rằng Thủ tướng Najib Razak sẽ trực tiếp nêu vấn đề này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc vốn có “truyền thống lâu đời” về xâm nhập vùng biển của các bên tranh chấp khác ở Biển Đông.
Philippines đã cáo buộc tàu Cảnh sát biển Trung Quốc dùng vòi rồng phun nước tấn công tàu cá nước này. Thậm chí, gần đây, tàu Trung Quốc còn đâm vào thuyền đánh cá Philippines. Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình năm 2014, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tố cáo hai tàu khảo sát thủy văn Trung Quốc đã hoạt động Recto Bank, cách bờ biển Palawan chưa đầy 80 hải lý và nằm sâu trong EEZ của Philippines. Tổng thống Aquino cũng cho biết tàu Cảnh sát biển Trung Quốc thường tuần tra xung quanh Bãi Cỏ Mây.
Ngoài ra, tháng 5/2014, hai tàu khảo sát Trung Quốc đã bị phát hiện ở Galoc, một mỏ dầu ở phía tây đảo Palawan. Đầu năm nay, chính phủ Philippines cực lực phản đối vụ tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đâm ba tàu đánh cá Philippines tại khu vực bãi cạn Scarborough đang tranh chấp.
|
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu chấp pháp Việt Nam.
|
Việt Nam cũng trở thành nạn nhân của các hoạt động phá hoại của Trung Quốc ở Biển Đông. Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã nhiều lần tấn công tàu cá Việt Nam. Một video năm 2014 cho thấy tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu thuyền Việt Nam. Tàu Trung Quốc cũng dùng vòi rồng để tấn công tàu chấp pháp Việt Nam và máy bay Trung Quốc đã bay trên tàu Cảnh sát biển Việt Nam để hăm dọa.
Trong khi đó, ngư dân Trung Quốc cũng ráo riết đánh bắt trái phép ở trong vùng biển của các nước khác. Trong tháng 5/2015, Chính phủ Indonesia đã ra lệnh đánh chìm 41 tàu thuyền đánh bắt trái phép, trong đó có tàu đánh cá Trung Quốc Gui Xei Yu có trọng tải 300 tấn. Con tàu cá này đã bị bắt khi đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển Indonesia trong năm 2009.
|
Trong tháng 5/2015, Chính phủ Indonesia đã ra lệnh đánh chìm tàu đánh cá Trung Quốc Gui Xei Yu có trọng tải 300 tấn. |
Thế nhưng, ngư dân Trung Quốc vẫn không nản chí trước vụ Indonesia đánh chìm tàu Gui Xei Yu. Ngay sau đó, tàu đánh cá Trung Quốc đã xâm nhập eo biển Makassar và Tomini Bay. Hiệp hội ngư dân Indonesia (KNTI) nói rằng tàu cá đăng ký ở Trung Quốc thường xâm phạm vùng biển Indonesia.
Trong trường hợp liên quan đến Malaysia, sự hiện diện của tàu Cảnh sát biển Trung Quốc có thể kích động nước này phản ứng mạnh và triển khai các lực lượng quân sự đối phó, thiếu chút nữa thì đã xảy ra sự cố trên biển.
Malaysia vốn theo đuổi chính sách “ngoại giao ôn hòa” để tránh leo thang căng thẳng với Trung Quốc. Trong năm 2013, nhiều tàu hải quân Trung Quốc đã xâm nhập James Shoal chỉ cách bờ biển Malaysia 80km, nhưng Kuala Lumpur đã im lặng không công bố vụ xâm nhập này. Malaysia cũng im lặng trước hoạt động của Trung Quốc bồi đắp trái phép “đảo nhân tạo” trên các bãi đá ngầm và rạn san hô ở quần đảo Trường Sa rồi sau đó xây dựng các công trình quân sự trên đó.
Thế nhưng, nếu Trung Quốc không ra lệnh cho tàu Cảnh sát biển rời vùng biển Malaysia, điều này có thể dẫn đến tình trạng đối đầu ngoại giao với những hậu quả vô cùng bất lợi. Điều này có thể dẫn đến quan hệ Malaysia-Trung Quốc trở nên xấu đi và làm mờ nhạt chiến lược ve vãn các nước Đông Nam Á, thông qua những cam kết viện trợ kinh tế. Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng có thể bị một số nước tẩy chay trên thực tế, nếu Trung Quốc tiếp tục gây hấn ở Biển Đông. Tương tự, các nước Đông Nam Á có thể xa lánh Sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển” (MSR) do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng.
Về cơ bản, vụ đối đầu ở Luconia Shoals có thể khiến cho Trung Quốc mất đi một người bạn rất cần thiết. Malaysia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN và lập trường của Malaysia về Biển Đông có thể hậu thuẫn lập trường của Philippines và Việt Nam vốn phản đối Trung Quốc hành xử ngang ngược và trái với luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Minh Châu (Theo AMTI)