Ngay sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye phán quyết rằng yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với Biển Đông không có cơ sở pháp lý, Ấn Độ ra tuyên bố kêu gọi các nước hữu quan giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình "không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực" và "hết sức tôn trọng" Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) vốn thiết lập trật tự pháp lý toàn cầu ở các vùng biển và đại dương.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố: "Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không cũng như tự do thương mại, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, như đã được phản ánh trong UNCLOS".
Ấn Độ và Biển Đông
Trong thực tế, vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề không liên quan đến Ấn Độ. Từ những năm 1980, công ty ONGC Videsh của Ấn Độ đã tìm kiếm dầu khí ở Biển Đông, ngoài khơi bờ biển Việt Nam, sau khi có giấy phép thăm dò cho lô 06.1. Cách đây khoảng một thập kỷ, Việt Nam đã cấp phép cho Ấn Độ thăm dò thêm hai hai lô 127 và 128, nằm trên thềm lục địa của Việt Nam mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền.
Hồi tháng 10/2014, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Ấn Độ và hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc hội đàm, hai thủ tướng Việt Nam và Ấn Độ nhất trí về việc đảm bảo "tự do hàng hải và hàng không ở Biển Hoa Đông và Biển Đông” và kêu gọi các bên liên quan "kiềm chế, tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế”.
Vào tháng Hai năm nay, Ấn Độ một lần nữa kêu gọi giải quyết hòa bình các yêu sách lãnh thổ mâu thuẫn với nhau ở khu vực, sau khi có tin nói Bắc Kinh đã triển khai tên lửa đất đối không trên một hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Đông (đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã đánh chiếm của Việt Nam).
|
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj: "Các đại dương và biển, trong đó có Biển Đông, là con đường dẫn tới sự thịnh vượng và an ninh của chúng tôi". Ảnh Huffington Post |
Trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế, các quan chức và các học giả đến từ Ấn Độ và ASEAN ở New Delhi, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj tuyên bố: "Các đại dương và biển, trong đó có Biển Đông, là con đường dẫn tới sự thịnh vượng và an ninh của chúng tôi (Ấn Độ)".
Nhấn mạnh các tuyến đường biển an toàn trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là rất cần thiết cho nền kinh tế Ấn Độ, bà Sushma Swaraj nói: "Phần lớn khối lượng thương mại toàn cầu của chúng tôi (55%) đi qua Eo biển Malacca và xa hơn nữa”.
Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng sự hung hăng của Trung Quốc về quân sự ở Biển Đông là có hại đối với an ninh và thương mại khu vực.
Nhà phân tích Pankaj K. Jha, giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Ấn Độ về các vấn đề thế giới, nói với Nikkei Asian Review: "Nếu khu vực này bị các hành động quân sự quấy rầy, điều đó sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa Ấn Độ đến các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và Philippines, và cũng đến Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nếu căng thẳng gia tăng, chi phí bảo hiểm cho tàu vận chuyển hàng hóa sẽ cao hơn". Ông Pankaj K. Jha nói thêm Trung Quốc cần phải giải quyết tranh chấp với các nước khác ở Biển Đông, trong khi đồng thời phải tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye.
Giám đốc Pankaj K. Jha cũng nói rằng ASEAN cần phải ra tuyên bố lập trường về tranh chấp Biển Đông, khi vấn đề tiếp tục leo thang.
Báo chí Trung Quốc "đổi trắng thay đen"
Về phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye về Biển Đông có lợi cho Philippines và hoàn toàn bất lợi đối với Trung Quốc, Ấn Độ kêu gọi các quốc gia hữu quan "kiềm chế tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định” vì tuyến hàng hải đi qua Biển Đông “rất quan trọng đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển".
Ấy thế mà, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc lại “đổi trắng thay đen”, nói rằng tuyên bố của Ấn Độ ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về Biển Đông.
Ngày 13, China Daily đưa ra một bản đồ trên trang web của báo này, trong đó liệt kê Ấn Độ nằm trong số hơn 70 quốc gia đã "công khai lên tiếng ủng hộ" lập trường của Bắc Kinh rằng tranh chấp Biển Đông "nên được giải quyết thông qua thương lượng và không qua trọng tài”. Mặt khác, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố phán quyết của PCA là "vô hiệu" và "Trung Quốc không chấp nhận và cũng không công nhận phán quyết này”.
Tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương cũng khiến cho Ấn Độ cảm thấy lo ngại. Ấn Độ đã tiến hành tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản, rõ ràng là để đối phó những động thái phô trương sức mạnh của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Các nhà phân tích chiến lược cho rằng phán quyết của PCA về Biển Đông là đòn nặng giáng vào uy tín của Trung Quốc và chẳng sớm thì muộn, Bắc Kinh cũng nhận ra rằng nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục vi phạm các tiêu chuẩn toàn cầu, nước này sẽ bị cô lập với cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, Ấn Độ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các vấn đề quốc tế vì nước này là một quyền lực lớn trên thế giới và trong thế giới thứ ba. Phản ứng của Ấn Độ về phán quyết của PCA cho thấy New Delhi theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến trong khu vực.
Minh Châu (Theo Nikkei Asian Review)