|
Bạc Hy Lai
|
Đây được xem là phép thử của chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư ĐCS kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Mặc dù vụ Bạc Hy Lai là một trong những vụ bê bối tai tiếng chính trị lớn nhất ở Trung Quốc từ mấy chục năm nay, người ta biết rất ít về những tội trạng mà ông Bạc bị cáo buộc. Và các chuyên gia pháp lý nói có phần chắc là vụ xử ông cũng sẽ không tiết lộ thêm chi tiết.
Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị tước hết các chức vụ chính thức và khai trừ đảng.
Vợ ông là Cốc Khai Lai bị kết án “tử hình treo” về tội giết hại một doanh nhân người Anh. Phụ tá hàng đầu của ông Bạc Hy Lai là Vương Lập Quân cũng bị kết tội có liên đới với vụ ám sát doanh gia người Anh Neil Heywood.
Vẫn theo khuôn thức cũ
Vụ bê bối Bạc Hy Lai xảy ra đúng vào lúc Trung Quốc đang chuẩn bị cho cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo 10 năm mới có một lần.
Ông Hà Gia Hoằng, một học giả về luật tại trường Ðại học Nhân dân Bắc Kinh, nhận định: “Tại Trung Quốc, giai đoạn xét xử hình sự không quan trọng lắm. Ðó chỉ là một tiến trình trên danh nghĩa của toàn bộ tiến trình đưa ra quyết định về vụ án. Nhất là đối với loại các vụ việc mang tính chính trị cao như thế này, quyết định đã được thực hiện nhưng họ vẫn phải đi qua tiến trình xét xử. Ðây là một đặc điểm của những vụ án hình sự hiện nay ở Trung Quốc, nhất là các vụ có tính chất chính trị”.
Chuyên gia phân tích chính trị Joseph Cheng của trường Ðại học Hong Kong nói có nhiều phần chắc phiên toà sẽ không tiết lộ chi tiết nào quan trọng về mạng lưới đã hỗ trợ cho ông Bạc trong vụ tham nhũng mà ông ta bị cáo buộc. Theo Joseph Cheng, vụ Bạc Hy Lai dường như theo đúng khuôn thức quen thuộc của các nhà lãnh đạo cấp cao bị tố cáo tham nhũng. Ông nói: “Thứ nhất, họ đều rất im lặng và thừa nhận tội lỗi. Thứ hai, họ không đưa ra chi tiết về các cấp trên mà cũng không đưa ra chi tiết về các mạng lưới tham nhũng và thứ ba, họ sẽ lĩnh một bản án khá nhẹ nhàng (so với tội danh, sai phạm)”.
Các bản tin nhà nước cũng nói ông Bạc Hy Lai đã lạm dụng chức quyền và tìm cách ém nhẹm vụ vợ ông sát hại doanh gia Neil Heywood. Các bài tường thuật chính thức vụ xử ông Vương Lập Quân, người phụ tá của ông Bạc, cáo buộc ông Bạc là đánh đập ông Vương và bãi chức ông khi ông Vương đối đầu với ông Bạc về việc vợ ông, bà Cốc Khai Lai, can dự vào vụ ám sát.
|
Gia đình họ Bạc: Bạc Hy Lai (giữa) cùng vợ là Cốc Khai Lai và "cậu ấm" Bạc Qua Qua
|
Có tin nói ông Bạc Hy Lai đã biển thủ tới 1 triệu USD và nhận hối lộ hơn 3 triệu USD. Các tội trạng của ông kéo dài hơn một thập niên khi ông còn là thị trưởng thành phố Ðại Liên.
Các tội mà ông Bạc bị cáo buộc có thể dẫn đến án tử hình, nhưng các chuyên gia pháp lý nói điều đó khó xảy ra.
Ông Hà Binh, một học giả về luật tại trường Ðại học Luật và Khoa học Chính trị Trung Quốc ở Bắc Kinh, dự đoán: “Tôi nghĩ ông ta sẽ có thể lĩnh án tù chung thân. Chắc chắn, ông ta sẽ không lĩnh án tử hình bởi vì từ Trần Lương Vũ cho đến Trần Hy Ðồng và các thành viên khác trong Bộ Chính trị, chưa có ai bị kết án tử hình cả”.
Ông Joseph Cheng nói: “Ðây rõ ràng là một vụ chính trị và các lãnh đạo cấp cao của đảng phải đưa ra quyết định”.
Mặc dù Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt chống tham nhũng lên ưu tiên hàng đầu, theo ông Cheng, ông Tập vẫn phải củng cố quyền lực trong nội bộ đảng. Ðiều đó có nghĩa là ông phải bảo đảm có được sự đồng thuận của các thành viên cấp cao trong đảng rằng vụ xử ông Bạc không tác động đến sự ổn định của toàn bộ của chính quyền.
Dư âm của Cách mạng Văn hóa
Nhiều nhà phân tích cho rằng Cách mạng Văn hóa Trung Quốc đã giúp Bạc Hy Lai thăng tiến và cũng chôn vùi sự nghiệp của ông.
|
Bạc Hy Lai lớn lên vào thời kỳ Cách mạng Văn hóa, cái thời kỳ mà “con tố cha, vợ tố chồng”. |
Bạc Hy Lai lớn lên vào thời kỳ Chủ tịch Mao Trạch Đông phát động Cách mạng Văn hóa khốc liệt, cái thời kỳ mà “con tố cha, vợ tố chồng”.
Cha ông là Bạc Nhất Ba, một cán bộ cách mạng lão thành, trải qua nhiều năm bị giam cầm và mẹ ông qua đời vì lý do không được xác định. Tuy nhiên, tất cả những trải nghiệm đó không làm chàng trai Bạc Hy Lai mất niềm tin vào “lãnh tụ vĩ đại” Mao Trạch Đông.
Nhà phân tích chính trị Trương Minh của Ðại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói rằng ông Bạc Hy Lai cũng giống như những người con khác của những quan chức có quyền thế tất cả đều có chung một khuyết điểm: Mặc dù gia đình họ bị tan nát trong Cách mạng Văn hóa, họ vẫn ngưỡng mộ Mao Trạch Đông.
Nhưng Bạc Hy Lai cũng ngưỡng mộ văn hóa phương Tây và đã kết hợp hai yếu tố này một cách nhuần nhuyễn.
Vì có cha Bạc Nhất Ba - một trong những “khai quốc công thần”, ông Bạc Hy Lai được cất nhắc nhanh chóng vào những chức vụ trong đảng và chính phủ.
Bạc Hy Lai đã làm lãnh đạo tại nhiều trung tâm kinh tế quan trọng, trong đó có thành phố Đại Liên và cuối cùng là “siêu đô thị” Trùng Khánh. Ông Bạc Hy Lai từng làm Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc và nhiều người nghĩ rằng nếu không dính tai tiếng, ông dễ trở thành một trong những lãnh đạo hàng đầu.
|
Bạc Hy Lai giương cao ngọn cờ cách mạng văn hóa ở Trùng Khánh
|
Các nhà phân tích khác đánh giá Bạc Hy Lai là người điển trai, có sức thu hút người khác, có óc sáng tạo và hiểu biết về truyền thông báo chí. Nhưng ông này cũng là người độc đoán khi nắm trong tay nhiều quyền lực.
Khi ông Bạc Hy Lai trở thành Bí thư thành ủy Trùng Khánh, nhiều người xem đó là một vụ giáng chức. Tại đây, ông Bạc mở chiến dịch truy quét các băng đảng tội phạm và cố súy nhiều bài hát thời Cách mạng Văn hóa.
Nhà phân tích Trình Lợi nói rằng một trong hai chiến dịch quan trọng của Bạc Hy Lai là truy quét mafia, thế nhưng bây giờ thì người ta mới biết ông Bạc và gia đình hành động chẳng khác gì mafia, thậm chí còn giống như một ông trùm.
Lê Chân (tổng hợp)