Kể từ khi chiếc máy bay Nga rơi tại Ai Cập ngày 31/10, nhiều giả thuyết về nguyên nhân vụ tai nạn hàng không thảm khốc đã nảy sinh.
Một số chuyên gia hàng không cho rằng nguyên nhân máy bay Airbus A321-200 của Metrojet gặp nạn là do bị đánh bom. Một số ý kiến khác dẫn lại sự cố hồi năm 2001 khiến chiếc phi cơ bị hư hỏng phần đuôi.
Không loại trừ tấn công khủng bố
James Clapper, một giám đốc tình báo quốc gia Mỹ, cho hay mặc dù chưa có bằng chứng trực tiếp chỉ ra đây là một vụ khủng bố nhưng cũng chưa thể loại trừ khả năng chiếc máy bay xấu số bị các tay súng IS ở bán đảo Sinai phá hoại.
“Chúng ta không thể loại trừ khả năng nào”, người phát ngôn của Tổng thống Nga Putin, Dmitry Peskov, nói.
|
Hiện trường máy bay Nga rơi tại Ai Cập.
|
Được biết, chiếc phi cơ Airbus A321 rơi xuống bán đảo Sinai khi đang bay ở độ cao hơn 9.000 mét, chỉ 23 phút sau khi cất cánh từ khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh (Ai Cập).
Hãng hàng không Metrojet bác bỏ nguyên nhân vụ tai nạn do lỗi kỹ thuật hay lỗi của tổ lái.
“Nguyên nhân duy nhất có thể xảy ra là do chiếc phi cơ đã chịu tác động từ bên ngoài”, Phó giám đốc Metrojet Alexander Smirnov phát biểu trong cuộc họp báo tại Moscow. Tuy nhiên, ông từ chối cung cấp thông tin chi tiết vì “cuộc điều tra đang diễn ra”.
Ông Alexander Smirnov cũng không loại trừ khả năng đây là một vụ tấn công khủng bố và nói: “Mọi chuyện đều có thể xảy ra”.
Trong khi đó, quan chức hàng không cấp cao của Nga, Alexander Neradko, tuyên bố, việc cho rằng các yếu tố bên ngoài có thể là nguyên nhân khiến máy bay Nga bị rơi là “quá sớm và vô căn cứ”.
|
Một chiếc máy bay của hãng hàng không Metrojet.
|
Ông Neradko cho rằng kết luận về nguyên nhân thảm kịch A321 chỉ có thể được đưa ra sau khi các chuyên gia phân tích các hộp đen và mảnh vỡ máy bay.
Trong khi đó, Viktor Yung – một Phó tổng giám đốc khác của Metrojet – cho hay, phi hành đoàn chuyến bay 9268 đã không gửi một tín hiệu khẩn cấp nào và họ không liên lạc với nhân viên trạm kiểm soát không lưu trước khi máy bay rơi.
Tuy nhiên trước đó, một quan chức Ai Cập từng nói rằng phi công máy bay Airbus A321 đã thông báo về việc chiếc phi cơ gặp trục trặc kỹ thuật và định hạ cánh xuống sân bay gần nhất. Hiện, quan chức Ai Cập cũng đang tranh cãi về thông tin này.
Theo các chuyên gia, thông thường, máy bay bị nổ trên không trung do một trong ba yếu tố: thời tiết xấu, đụng độ trên không hoặc tác động từ bên ngoài (như bom hoặc tên lửa).
Khủng bố IS bắn hạ máy bay Airbus A321?
Một chi nhánh liên quan đến tổ chức khủng bố IS tuyên bố đã bắn hạ chiếc máy bay Airbus A321 ở khu vực bắc Sinai – nơi lực lượng an ninh và quân đội Ai Cập chiến đấu chống lại nhóm phiến quân trong nhiều năm. Tuy nhiên, nhà chức trách Ai Cập và Nga đều bác bỏ tuyên bố này của IS.
Chuyên gia quân sự người Anh Paul Beaver tin rằng, nguyên nhân vụ tai nạn rất có thể là do một quả bom gài trên máy bay, bởi IS được cho là không sở hữu hệ thống tên lửa đất đối không có khả năng bắn hạ máy bay chở khách ở độ cao hành trình.
Nổ bom hay phá hoại?
Robert Galan, một chuyên gia hàng không của Pháp, nhận định nguyên nhân vụ tai nạn do “tác động bên ngoài” dẫn đến hai khả năng: nổ bom hoặc phá hoại.
“Khả năng thứ nhất, một quả bom gài trong máy bay tại điểm dừng chân hoặc được lập trình phát nổ sau khi cất cánh. Thứ hai là một vụ phá hoại thiết bị trên máy bay. Đây là hai giả thuyết có thể xảy ra nhất”, Robert phát biểu.
Nếu đây là một vụ phá hoại, thủ phạm hiểu rất rõ về hệ thống điện và nhiên liệu của chiếc A321-200.
Ông Galan cho biết, kết quả phân tích thiết bị ghi âm buồng lái và dữ liệu hành trình chuyến bay 9268 không thể xác nhận đây là một vụ phá hoại hay nổ bom, bởi các hộp đen chỉ ghi lại các cuộc trao đổi của phi công và thông tin kỹ thuật. Tuy nhiên, các nhà điều tra có thể biết được trong vòng 48 giờ liệu vụ nổ bom có phải là nguyên nhân khiến chiếc phi cơ rơi xuống hay không bởi mảnh vỡ máy bay sẽ cho thấy dấu vết vụ nổ.
Nghi vấn phần đuôi Airbus A321
Theo hãng hàng không Kogalymavia/Metrojet, chiếc phi cơ gặp nạn từng bị hư hỏng ở phần đuôi trong một sự cố tại Cairo, Ai Cập, năm 2001.
Tuy nhiên, Phó giám đốc Kogalymavia, Andrei Averyanov, cho biết quá trình sửa chữa chiếc Airbus A321 đã hoàn tất vào tháng 11/2001 theo đúng quy định quốc tế. Điều kiện kỹ thuật của chiếc máy bay này hoàn toàn bình thường.
Về vấn đề này, chuyên gia tư vấn an toàn hàng không John Cox bình luận, việc kiểm tra bảo dưỡng hàng tháng không thể phát hiện phần đuôi hư hại trở lại bởi những vết nứt bên trong máy bay ở bộ phận thường không thể phát hiện khi chỉ nhìn bề ngoài.
Thay vào đó, quá trình sửa chữa phần đuôi bị hỏng cần được xem xét trong quá trình bảo trì kỹ càng thường kéo dài khoảng 4-5 năm. Các bộ phận cần phải được tháo rời để các nhân viên kỹ thuật có thể nhìn bên trong. Các vết nứt ở bề mặt máy bay cần được kiểm tra bằng một thiết bị đặc biệt.
“Quá trình sửa chữa rất phức tạp và đòi hỏi chuyên môn đặc biệt. Các nhà điều tra sẽ xem xét việc sửa chữa diễn ra đúng quy trình và được thực hiện thường xuyên hay không”, Cox – cựu phi công và nhân viên điều tra tai nạn hàng không – nhận định.
Nếu phần đuôi lại gặp sự cố, các vết nứt nhỏ sẽ xuất hiện và lớn dần trong điều kiện áp lực và giảm áp suất diễn ra liên tục.
Hiện thời, các nhà điều tra từ Pháp, Đức và Ireland cũng đang tham gia vào cuộc điều tra vụ tai nạn tại Ai Cập.
Tổng thống Nga Putin gọi vụ tai nạn hàng không hôm 31/10 là một “thảm kịch” và gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân xấu số. Ông chủ Điện Kremlin đã tuyên bố ngày 1/11 là ngày quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân vụ máy bay rơi.
Thiên An (Theo ABC News)