Yahoo News đưa tin, chuyến công du nước ngoài đầu tiên kéo dài 8 ngày của Tổng thống Trump bắt đầu từ ngày 20/5. Ông sẽ tới Ả-rập Xê-út, Israel, Vatican, tham dự hội nghị của NATO ở Brussels và Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Sicily, Italy.
Chuyến công du của Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra trong bối cảnh ông đang bị nghi ngờ tiết lộ thông tin mật cho Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng như yêu cầu Giám đốc FBI James Comey ngừng điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Sau đó, giám đốc FBI Comey đã bị ông Trump sa thải.
“Tôi sắp có một chuyến đi hết sức quan trọng và gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo thế giới”, Tổng thống Trump phát biểu tại buổi lễ của Học viện tuần duyên Mỹ hôm 17/5.
Theo nhận định của Yaoo News, đây là một chuyến đi với lịch trình dày đặc của Tổng thống Trump. Dự kiến, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ nêu ra nhiều vấn đề toàn cầu trọng yếu nhất như cuộc chiến chống phiến quân IS, kiềm chế Iran, thuyến phục thế giới Hồi giáo đối phó với chủ nghĩa cực đoan, xem xét lại mối quan hệ với các nước đồng minh quan trọng ở Châu Âu và Châu Á cũng như kiến tạo hòa bình ở Trung Đông.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại buổi lễ của Học viện Bảo vệ Bờ biển Mỹ ngày 17/5. Ảnh: Reuters. |
Tại thủ đô Riyadh (Ả-rập Xê-út), Tổng thống Trump sẽ tham dự một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo đến từ khắp thế giới Hồi giáo. Ông sẽ có bài phát biểu kêu gọi nỗ lực ngăn chặn cái mà ông gọi là “chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan”.
Tuy nhiên, báo chí cảnh báo rằng, sự hiện diện của nhà lãnh đạo Sudan Omar al-Bashir tại hội nghị thượng đỉnh ở Ả-rập Xê-út có thể sẽ ảnh hưởng bất lợi cho mối quan hệ Washington-Riyadh).
“Tổng thống Trump không muốn ông ấy (Omar al-Bashir) có mặt ở đó”, Yahoo News dẫn lời một trợ lý cấp cao của ông Trump hôm 18/5.
“Mặc dù chính quyền (ông Trump) chưa vạch ra chiến lược Trung Đông nhưng theo tôi, chiến lược này sẽ được xây dựng nhằm khắc phục sự mất cân bằng khu vực do chính quyền tiền nhiệm tạo ra vốn tập trung vào việc thu hẹp chương trình hạt nhân của Iran cũng như chiến lược chống phiến quân IS”, Kori Schake, một thành viên Cộng hòa kỳ cựu của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ và Lầu Năm Góc, cho biết.
Tại Israel, Tổng thống Trump sẽ gặp các quan chức cấp cao, trong đó có Thủ tướng Benjamin Netanyahu, trước khi có cuộc hội đàm với Tổng thống Palestine Mahmud Abbas. Nhà lãnh đạo Mỹ dự kiến cũng sẽ có bài phát biểu về triển vọng hòa bình ở Trung Đông.
Tại Brussels (Bỉ), Tổng thống Trump sẽ gặp mặt trực tiếp các nhà lãnh đạo của NATO – tổ chức mà ông cho rằng phải có sự thay đổi để đạt được hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống khủng bố.
Tại Sicily (Italy), ông chủ Nhà Trắng sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của nhóm G7. Được biết, các nước thành viên G7 đang theo dõi thận trọng xem liệu chiến lược “Nước Mỹ trên hết” có ảnh hưởng gì đối với họ.
“Những chuyến đi ngoại giao nằm trong số những vấn đề khó khăn nhất đối với Nhà Trắng”, Tommy Vietor, người phát ngôn của Hội đồng Bảo an quốc gia dưới thời Tổng thống Obama, bình luận.
Các quan chức và chuyên gia đã nhận thấy lợi ích lâu dài tiềm ẩn từ kế hoạch của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis: Đưa liên minh được thành lập để đánh bại phiến quân IS thành tổ chức tập trung vào việc kiềm chế Iran.
Trong khi đó, các quốc gia nhóm họp tại Ả-rập Xê-út muốn cân bằng nỗ lực chống khủng bố và tình trạng bất ổn do người Sunni (phiến quân IS, mạng lưới khủng bố al-Qaeda) và người Shiia (Iran) gây ra. Họ muốn có sự tiến triển hòa bình giữa Palestine và Israel để tăng cường sự hợp tác với Israel một cách công khai và thỏa đáng hơn.
"Chính quyền Tổng thống Trump sẽ trao cơ hội đó cho họ”, Kori Schake nói.
Thiên An (Theo Yahoo News)