Hơn 80% công dân Philippines là người Công giáo. Khi cuộc bầu cử tổng thống Philippines đang đến rất gần, nhiều người Công giáo mộ đạo của đất nước đang lắng nghe những lời kêu gọi mới nhất từ Hội nghị Giám mục Công giáo Philippines. Thông điệp của các vị giám mục khá thẳng thắn: "Đừng bỏ phiếu cho các ứng cử viên không chỉ nguy hiểm về mặt chính trị, mà còn vô trách nhiệm về mặt đạo đức”. Mặc dù không nêu đích danh ứng viên tổng thống nào, nhưng mọi người dân Philippines đều biết rõ đó là Thị trưởng thành phố Davao, Rodrigo Duterte.
Không có ứng cử viên tổng thống nào gây chia rẽ xã hội Philippines nhiều như Duterte. Người đứng đầu Ủy ban Nhân quyền Philippines, cựu Bộ trưởng Tư pháp Leila de Lima gần đây đã gọi Duterte là "một con quái vật, cần phải bị ngăn chặn bằng mọi phương tiện”.
Ứng viên Duterte thường khoe “chiến tích sát gái” và sử dụng Viagra của mình. Tại một cuộc vận động tranh cử gần đây, nhắc lại vụ một băng đảng cưỡng hiếp và giết chết nữ tu sĩ người Australia Jacqueline Hamill trong năm 1989, Duterte nói: "Cô ấy rất đẹp. Tôi nghĩ rằng thị trưởng cần phải là người đầu tiên ngủ với cô ấy”. Nhận xét này đã gây ra một làn sóng chỉ trích ở cả Philippines và trên thế giới.
Sau khi Đức Giáo hoàng Phansis thăm Manila vào tháng 1/2016 gây ùn tắc giao thông, Duarte đã lăng mạ Đức Thánh Cha là "con trai của một con điếm". Với lời lẽ này, Duterte đã “vượt qua vạch đỏ” và kể từ đó, Nhà thờ Công giáo Philippines đã kêu gọi cử tri tẩy chay ứng viên tổng thống “gây sốc” này. Ông đã trở thành cái gai trong con mắt các giáo sĩ Philippines.
|
Thị trưởng Rodrigo Duterte trong chiến dịch vận động tranh chức Tổng thống Philippines. Ảnh DPA |
Thế nhưng, Thị trưởng Rodrigo Duterte lại là ứng viên đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines được tổ chức vào ngày 9/5/2016. Theo kết quả thăm dò được công bố hôm 5/5, Thị trưởng Duterte vẫn về đầu, giành được đến 33% số phiếu ủng hộ, bỏ xa các đối thủ khác. Trong khi đó, ông Manuel "Mar" Roxas - ứng cử viên được tổng thống mãn nhiệm Aquino ủng hộ - chỉ giành được 20% , thua cả Thượng nghị sĩ Grace Poe ( 22%).
Kể từ khi ra tranh cử, ứng viên Duterte đã liên tiếp đưa ra những tuyên bố gây sốc. Chẳng hạn như ông cam kết sẽ hạ sát hàng chục ngàn tội phạm, rồi sau đó tự ân xá cho hành động này. Trái với mọi dự đoán, ứng viên Duterte lại trở thành ứng cử viên có triển vọng đắc cử tổng thống Philippines nhất và nhiều nhà phân tích đã so sánh ông với ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump.
Thị trưởng Davao đã khéo léo thể hiện mình như một chính khách có thể đề ra những giải pháp để giải quyết cấp tốc mọi vấn đề cố hữu của Philippines như tình trạng tội phạm hay nạn nghèo đói. Duterte đã trở thành biểu tượng của sự bất mãn, thậm chí của sự tuyệt vọng đối với những người đã đặt niềm tin vào giới lãnh đạo Philippines.
Ứng viên tổng thống Rodrigo Duterte, xuất thân từ đảo Mindanao phía nam Philippines, quyết định chạy đua tranh chức Tổng thống Philippines khá muộn. Mặc dù đăng ký tham gia hai tháng sau thời hạn chót đối với các ứng cử viên, nhưng ông này vẫn được phép tranh cử tổng thống. Kể từ đó, ứng viên Rodrigo Duterte luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận.
Nhà phân tích người Đức Siegfried Herzog, giám đốc khu vực Đông Nam Á của Viện Friedrich-Naumann, nói tại Bangkok: "Các ứng cử viên thường có xu hướng hành động ôn hòa hơn trong quá trình vận động bầu cử. Để thu hút nhiều cử tri, họ ít có xu hướng phân cực. Tuy nhiên, ứng viên Duterte đã làm cái điều ngược lại và ngày càng đưa ra nhiều nhận xét trắng trợn”.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ứng viên tổng thống Duterte cam kết sẽ tiến hành một "cuộc chiến tranh đẫm máu" trấn áp và hành quyết hàng ngàn tội phạm. Duterte không phải là người ủng hộ các ủy ban nhân quyền hay kiển tra dân chủ và cân bằng. Nếu được bầu làm tổng thống, ông Duterte tuyên bố, ông sẽ giải tán quốc hội và thành lập “chính quyền cách mạng” nếu các nghị sĩ không làm theo sự chỉ đạo của ông ta.
Theo hiến pháp Philippines, bầu cử tổng thống chỉ diễn ra trong một vòng và ứng viên nào nhận được nhiều phiếu bầu nhất sẽ thắng cử.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy Duterte vượt đối thủ bám sát nút gần 10 điểm phần trăm. Chính vì vậy mà nguy cơ Duarte trở thành tổng thống tiếp theo của Philippines là khá rõ ràng. Hiện vẫn chưa rõ, liệu Giáo hội Công giáo có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống Philippines như thế nào.
Nhà phân tích Herzog lưu ý: "Dân chúng đang rất thất vọng với các thể chế chính trị của đất nước". . Đất nước Philippines hiện đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề như bất bình đẳng xã hội, tỷ lệ tội phạm cao, một hệ thống pháp lý yếu kém và thiếu sự tin tưởng của công chúng đối với chính phủ.
Mặc dù Philippines là một trong những nền kinh tế đang phát triển nhanh trong khu vực, một phần đáng kể dân số nước này đang bị bỏ lại phía sau. Kể từ khi nhà độc tài Ferdinand Marcos bị lật đổ năm 1986, Philippines, ở cấp địa phương cũng như cấp quốc gia, vẫn dưới sự điều hành của các gia đình, với sự hỗ trợ của giới tài phiệt. Hệ thống chính trị này càng khiến cách biệt giầu nghèo ở Philippines thêm nặng nề.
Nhà phân tích Herzog nói với Deutsche Welle (DW): "Đất nước này cũng có một hệ thống chính trị rất phức tạp. Hệ thống này khuyến khích tham nhũng và các quyết định quan trọng thường bị chặn lại hoặc trì hoãn. Nhiều người Philippines đang thất vọng với tình trạng chậm phát triển. Họ đang chờ đợi một vị lãnh đạo nào đó ở bên trên có hành động quyết liệt”.
Trong chính sách đối ngoại, ứng viên Duterte đã gây sốc cho các đồng minh lâu năm như Mỹ và Australia, với chương trình nghị sự quốc gia của mình. Duerte phản ứng cực kỳ quyết liệt trước những lời chỉ trích bắt nguồn từ phương Tây.
Duterte cũng cho biết ông ta sẵn sàng thảo luận song phương với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Chính phủ Philippines đương nhiệm đã thách thức tuyên bố chủ quyền Biển Đông Bắc Kinh và đưa vấn đề này lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague.
Ngày 9/5, các cử tri cũng sẽ quyết định ai sẽ là Phó Tổng thống Philippines tiếp theo. Một trong các những ứng cử viên là “Bongbong” Marcos, con trai của nhà độc tài Ferdinand Marcos.
Giống như Duterte, “Bongbong” Marcos theo đuổi đường lối dân tộc chủ nghĩa và thiên về sử dụng vũ lực trong việc chống tham nhũng và tội phạm.
Nhà phân tích Siegfried Herzog nhận xét: "Bongbong Marcos cũng có bản năng của một nhà lãnh đạo độc tài và trong chiến dịch vận động bầu cử các ứng viên có thiên hướng độc tài lại nhận được nhiều sự ủng hộ”.
Ứng viên tổng thống Rodrigo Duterte từng nói rằng nếu thắng cử, ông sẽ chuyển cố độc tài Ferdinand Marcos “đến nghỉ ngơi” tại Nghĩa trang anh hùng ở thủ đô Manila.
Nếu cả Rodrigo Duterte lẫn “Bongbong” Marcos đều thắng cử, đất nước Philippines và cả khu vực Đông Nam Á sẽ lâm vào tình thế khó xử. Nhưng cho đến nay, ứng viên phó tổng thống “Bongbong” Marcos là chỉ đứng trong các cuộc thăm dò dư luận, xếp sau ứng cử viên tự do Leni Robredo.
Minh Châu (Theo Deutsche Welle)