Bất ngờ quan hệ quân sự Mỹ - Trung thực sự cải thiện

Google News

(Kiến Thức) - Quan hệ quân sự Mỹ -Trung được cải thiện đáng kể trong vòng 4 năm qua.

Năm nay, lần đầu tiên Trung Quốc tham gia vào cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2014 do Mỹ đứng đầu. Nhiều chuyên gia nhận định, bất chấp “màn đấu khẩu” của đại diện hai nước ở Đối thoại  Shangri-La tại Singapore vừa qua, mối quan hệ này thực sự có nhiều chuyển biến đáng kể.
Thăng trầm quan hệ quân sự Mỹ -Trung
Vào năm 2010, mối quan hệ này mong manh tới nỗi Trung Quốc quyết định cắt đứt hoàn toàn các hoạt động hợp tác quân sự với Mỹ để trả đũa việc Washington bán vũ khí cho Đài Loan. Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã bình luận một cách giận dữ rằng, quân sự là lĩnh vực duy nhất hai bên không đạt được tiến bộ Tổng thống Obama và Chủ tịch Trung Quốc bấy giờ là Hồ Cẩm Đào mong muốn hai bên thực thi “các hoạt động tiếp xúc quân sự lâu bền và đáng tin cậy ở mọi cấp độ nhằm giảm thiểu nguy cơ hiểu nhầm và tính toán sai lầm”.
Tuy nhiên, kể từ khi “làm lành” vào tháng 1/2011, mối quan hệ quân sự giữa hai nước trở nên khá ổn định. Cụ thể, sau chuyến thăm Bắc Kinh năm 2011 của ông Gates, một loạt các cuộc gặp gỡ giữa các quan chức quân sự hai bên đã diễn ra, bao gồm chuyến thăm Mỹ vào năm 2011 và 2012 lần lượt của Tổng tham mưu trưởng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc... Nhận xét về hai chuyến thăm này, giới truyền thông cho rằng, đó là một “bước tiến lớn” trong quan hệ quân sự Bắc Kinh-Washington.
 Tướng quân đội hai nước bắt tay sau một cuộc tập trận chung. 
Kể từ “bước chuyển” đó, Mỹ, Trung tăng cường các hoạt động tiếp xúc quân sự. Đáp lại “thiện chí” của Trung Quốc, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Leon Panetta... cũng thăm Bắc Kinh vào năm 2011.
Năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tới Mỹ và đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng có chuyến thăm Trung Quốc. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey và Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, Tướng Phòng Phong Huy cũng có các chuyến thăm tương tự vào năm 2013 và 2014.
 Tàu khu trục Lâm Nghi của Trung Quốc ở cảng Haiwaii.
Thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc quân sự là mục tiêu của Tổng thống Mỹ Obama, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình. Đây là dấu hiệu chứng tỏ, Trung Quốc mong muốn tham gia vào các cuộc đối thoại quân sự dù nhiều chuyên gia cho rằng, các cuộc đối thoại cũng thường là dịp để Trung Quốc bày tỏ sự bất mãn với các hành động của Mỹ.
Tới nay, Trung Quốc tỏ ra hào hứng tham gia vào các cuộc bàn bạc nghiêm túc về chính sách quân sự của Mỹ (đặc biệt là chính sách xoay trục châu Á-Thái Bình Dương) trong khi các cuộc họp song phương cấp cao diễn ra thường xuyên hơn.
Thêm vào đó, hai bên bắt đầu tăng cường các cuộc tập trận chung hay song phương. Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức một số cuộc tập trận chung về tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển, hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai. Đây chỉ là những bước tiến nhỏ nhưng vẫn là tiến bộ. Trung Quốc tỏ ra rất coi trọng việc nước này tham gia RIMPAC. Tân Hoa Xã bình luận rằng, cuộc tập trận này “không chỉ thể hiện thực chất quan hệ Mỹ - Trung”. 
Hợp tác quân sự Mỹ - Trung, dù dưới hình thức tập trận chung hay hội đàm cấp cao, chưa phải là “phương thuốc chữa hẳn” căng thẳng giữa hai nước. Đó cũng chưa phải là biện pháp hiệu quả như một số người đã hy vọng có thể giúp ngăn chặn các biến cố.
Trong cuốn “Giải pháp và Sự đảm bảo chiến lược”, hai học giả James Steinberg và Michael O’Hanlon lập luận, các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ và Trung Quốc cần tiếp xúc nhiều hơn trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Ngoài ra, hai bên cần tiến tới các thỏa thuận để xử lý và ra "tín hiệu" đúng cách trên các vùng biển quốc tế nhằm phòng ngừa khủng hoảng từ xa. Tới nay, Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa đạt được mục tiêu này song, hai nước chắc chắn sẽ không thực hiện được điều đó nếu không tiến hành các cuộc tiếp xúc thường xuyên như hiện nay.
Tùng Lâm