|
Xe bọc thép của lực lượng an ninh Ai Cập bị đốt cháy.
|
Viết trên tài khoản Twitter, một phát ngôn viên của “Anh em Hồi giáo” cho biết: "Các cuộc tuần hành chống đảo chính sẽ xuất phát từ tất cả các nhà thờ ở Cairo và tiến tới quảng trường Ramsis sau lễ cầu nguyện Jumaa trong ngày Thứ Sáu phẫn nộ".
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Y tế Ai Cập Mohammed Fathallah cho biết đã có ít nhất 525 người thiệt mạng và 3.572 người bị thương trong các cuộc đụng độ ngày 14/8 giữa cảnh sát và những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Mursi. Riêng ở Quảng trường Rabaa Al-Adawiya, nơi cắm trại chính của người biểu tình trong nhiều tuần qua, số người chết là 202 người.
Theo Bộ Nội vụ Ai Cập, trong số những người thiệt mạng có 43 nhân viên an ninh.
Về phần mình, tổ chức “Anh em Hồi giáo” cho rằng số người thiệt mạng trong các vụ trấn áp của cảnh sát lên tới gần 2.000 người. Tuy nhiên, con số này chưa được kiểm chứng.
Tình trạng bất ổn, bạo lực trên khắp cả nước khiến chính phủ lâm thời Ai Cập buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng với lệnh giới nghiêm được áp dụng hàng ngày từ 19 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau ở thủ đô Cairo và 13 tỉnh thành khác. Tổng thống lâm thời Adli Mansour đã ký lệnh giới nghiêm này “với mục đích đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố".
Các cuộc bạo loạn nổ ra hôm Thứ Tư (14/8) bắt đầu bằng chiến dịch cảnh sát với sự hỗ trợ của quân đội tiến hành tại Cairo. Mục tiêu chiến dịch là giải tán hai khu lều trại mà “Anh em Hồi giáo” và những người ủng hộ cựu Tổng thống Mohammed Mursi đã dựng lên ở Cairo. Với khu lều trại đầu tiên cảnh sát đã hành sự một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, các cư dân của khu lều trại thứ hai đã đề phòng cảnh sát từ lâu và thêm nữa còn gia cố xung quanh trại bằng cách dựng rào chắn chướng ngại bằng những bao cát. Kết quả là cuộc tấn công vào trại này biến thành trận giao tranh thực sự. Theo lời kể của các nhân chứng, cả hai bên xung đột đều sử dụng súng đạn. Vì thế đã có số lượng lớn những người chết và bị thương.
Nhà văn Ai Cập nổi tiếng Sarwat Al-Herbavi, chuyên gia phân tích chính trị, trước đây từng có thời là một trong những lãnh đạo của “Anh em Hồi giáo”, nhận xét với đài Tiếng nói nước Nga: “Quan sát cấu trúc và liên hệ với các cơ quan tình báo phương Tây, tổ chức ‘Anh em Hồi giáo’ giống như một đội quân bí mật, bất cứ phút giây nào cũng có thể bắt đầu chiến tranh. Trong trường hợp ở đây, tiền đồn của cuộc chiến này là các quảng trường ở Cairo. Những nơi đó đã thực sự trở thành trại quân, nơi mọi người thay nhau canh phòng, khi một số người ngủ thì vẫn có những người khác làm nhiệm vụ trực. Tại đó người ta hô những khẩu hiệu kích động, giống như lời hiệu triệu binh lính trên chiến trường. Mọi người rõ ràng là đã chuẩn bị sẵn sàng cho cái gì đó. Tình trạng điên rồ này đã không tự nó chấm dứt mà trái lại sẽ tiếp tục lan rộng hơn nữa. Vì vậy, chính phủ Ai Cập không còn lựa chọn nào khác ngoại trừ dùng sức mạnh giải tán đám người tụ tập đã đẩy xã hội vào cảnh bạo lực”.
Việc ban hành chế độ khẩn cấp cho thấy hiện thời tình hình tại Ai Cập vẫn đang tiếp tục nóng lên. Từ Cairo, cuộc bạo loạn đang lan sang những khu vực khác, kể cả thành phố lớn thứ hai của đất nước này là Alexandria.
Văn Bình