Do Bắc Kinh dự kiến sẽ thua ít nhất một phần trong vụ kiện mà Manila đã đưa lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye, Trung Quốc có thể sẽ hành động để chứng minh rằng nước này sẽ không bị “trói tay” bởi phán quyết của tòa PCA. Leo thang xung đột tiềm năng ở Biển Đông có thể bao gồm việc Trung Quốc lại phong tỏa của quân đội Philippines đồn trú tại Bãi Cỏ Mây, triển khai vũ khí khí tài tại các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp và xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa hoặc thông báo thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Thế nhưng, trọng tâm phản ứng của Trung Quốc có lẽ lại nằm ở việc biến bãi cạn Scarborough thành “đảo nhân tạo”.
|
Bãi cạn Scarborough cách đảo Luzon, đảo chính của Philippines, khoảng 120 hải lý và cách thủ đô Manila có 185 hải lý. Đồ họa Google earth |
Bãi cạn Scarborough cách đảo Luzon, đảo chính của Philippines, khoảng 120 hải lý và cách thủ đô Manila có 185 hải lý. Bãi cạn này cách hai nhóm đảo tranh chấp ở Biển Đông là quần đảo Hoàng Sa ở phía tây bắc và quần đảo Trường Sa ở phía tây nam 250 hải lý.
Nếu biến thành “đảo nhân tạo” và căn cứ quân sự, bãi cạn Scarborough sẽ cho phép quân đội Trung Quốc duy trì một sự hiện diện khắp Biển Đông và thậm chí mở rộng phạm vi hoạt động bao trùm một phần các đảo chính của Philippines. Điều đó sẽ có tác động chiến lược to lớn đối với cả Philippines lẫn Mỹ, nước vừa được quyền ra vào 5 căn cứ Philippines theo Hiệp định Hợp tác Quốc phòng tăng cường.Việc Trung Quốc bồi đắp và xây dựng căn cứ quân sự ở bãi cạn Scarborough sẽ tạo ra nhiều thách thức đối với Philippines và Mỹ. Xét theo góc độ an ninh, nó sẽ làm suy yếu khả năng sẵn sàng phản ứng của Mỹ trong việc duy trì an ninh khu vực.
Điều này đặc biệt đúng bởi vì Philippines đã mất quyền đi vào bãi cạn Scarborough trong năm 2012, sau khi Mỹ thất bại trong việc đàm phán để Trung Quốc và Philippines đều rút khỏi bãi cạn này. Nếu xây dựng được một sân bay hoặc bến cảng ở Scarborough, Trung Quốc sẽ tăng cường sức mạnh quân sự ở trong và xung quanh Biển Đông, khiến cho Mỹ và đồng minh khó can thiệp một khi xảy ra xung đột.
|
Sau vụ đối đầu năm 2012, tàu Philippines rút đi còn tàu chấp pháp Trung Quốc thì...ở lại. Ảnh Asia Security Watch |
Hút cát đá bồi đắp bãi cạn Scarborough thành “đảo nhân tạo” sẽ gây hại vô cùng to lớn cho hệ sinh thái biển. Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) có thể sẽ tuyên bố rằng sự tàn phá môi trường của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa đã vi phạm luật pháp quốc tế. Tiến hành hút cát đắp đảo tại bãi cạn Scarborough sẽ là một dấu hiệu nữa cho thấy Bắc Kinh coi thường phán quyết của tòa án trọng tài án và trật tự thế giới hiện có dựa trên luật pháp.
Xét theo quan điểm ngoại giao, việc Trung Quốc “bồi đắp” bãi cạn Scarborough cũng có thể là chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài cho những nỗ lực ngoại giao của ASEAN nhằm giảm căng thẳng trong khu vực. Trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 , các nước ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý tránh đưa dân đến “sinh sống trên những hòn đảo, đá ngầm, bãi cát ngầm, cồn cát và các tính năng không có người ở khác”. Bồi đắp tại bãi cạn Scarborough sẽ là một tín hiệu gửi tới khu vực rằng các cuộc đàm phán của Bắc Kinh với ASEAN chỉ là “tung hỏa mù” và không còn cần thiết.
Mặc dù vẫn theo đuổi chính sách “bắt nạt và cưỡng ép” đối với các nước láng giềng ven Biển Đông”, xem ra Trung Quốc vẫn muốn tránh đụng độ quân sự với Mỹ và các nước láng giềng. Chìa khóa cho một phản ứng thành công là buộc Bắc Kinh phải lựa chọn giữa việc đạt được mục tiêu bằng vũ lực vào thời điểm này hoặc phải trì hoãn mưu đồ thâu tóm Biển Đông đến một thời điểm khác mà Trung Quốc cảm thấy thuận lợi hơn.
Video Mỹ điều tàu chiến tuần tra Biển Đông. (Nguồn VTC):
Minh Châu (Theo The National Interest)