Trả lời câu hỏi "Bắc Triều Tiên kiếm tiến từ đâu?", theo La Croix, CHDCND Triều Tiên có thể cầm cự trước sự trừng phạt của quốc tế, bởi vì từ lâu nay đất nước này đã dựng được một mạng lưới công ty bình phong để che giấu phần lớn nguồn thu từ buôn bán. Ngoài ra, Triều Tiên còn một nguồn thu khác đó là bán sức lao động của hàng nghìn công dân của họ ở nước ngoài.
|
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn kiếm đủ tiền để theo đuổi chương trình tên lửa-hạt nhân đầy tốn kém. Ảnh: CNNMoney |
Vì phát triển chương trình hạt nhân, Triều Tiên bị quốc tế liên tiếp trừng phạt, mỗi ngày thêm nặng hơn. La Croix đặt câu hỏi: Liệu các trừng phạt đó có làm cho Bình Nhưỡng phải chùn bước? Câu trả lời là ít có khả năng.
Theo báo La Croix, Triều Tiên “sẽ gặp khó khăn, nhưng sẽ không nhanh chóng chịu khuất phục do nền kinh tế của nước này vững chãi hơn nhiều như người ta tưởng”.
Từ nhiều năm qua, Bình Nhưỡng đã khuyến khích phát triển các doanh nghiệp tư nhân loại nhỏ nằm trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp nhỏ đóng góp từ 30 đến 50% tổng thu nhập của Triều Tiên và trong năm 2016 có mức tăng trưởng 4%. Theo số liệu của Ngân hàng Quốc gia Hàn Quốc.
La Croix dẫn lời chuyên gia Triều Tiên, bà Juliette Morillot, cho biết: “Các doanh nhân đó tạo thành một tầng lớp xã hội mới. Đó là những chủ nhà hàng, tài xế taxi hay các nhà xuất nhập khẩu. Họ hoạt động trong khắp vùng Đông Nam Á và kiếm được cũng khá. Cần phải thoát khỏi suy nghĩ về một Bắc Triều Tiên đói khổ…”
La Croix hệ thống lại những nguồn thu nhập chủ yếu của đất nước vẫn bị đánh giá là khép kín, cô lập nhất thế giới này :
Về thương mại:
Năm 2016, xuất khẩu của Triều Tiên đạt doanh số khoảng 5,5 tỷ euro.Trong đó đa số xuất sang Trung Quốc với các mặt hàng như than đá, sản phẩm dệt may, các thiết bị gia dụng nhỏ, hải sản…Theo báo La Croix, trong số các đối tác thương mại của Bình Nhưỡng, người ta còn thấy có Ấn Độ, Pakistan hay thậm chí cả Pháp.
Số liệu của hải quan năm 2016 cho thấy nhiều mặt hàng như tôm cá, xe nâng hàng với giá trị 10 triệu euro đã được nhập vào Pháp. Các nước như Ấn Độ, Sri Lanka hay Pakistan vẫn nhập các kim loại quý hiếm từ Triều Tiên trong thời gian từ 2016-2017. Ngoài hàng tiêu dùng, báo cáo của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho biết Triều Tiên còn xuất khẩu vũ khí, khí tài sang hàng chục nước châu Phi.
Về xuất khẩu lao động:
Đây là nguồn thu không hề nhỏ của Bình Nhưỡng. Theo các báo cáo điều tra về các hoạt động xuất khẩu lao động của Triều Tiên, nhân công xuất khẩu Triều Tiên phải nộp 80% thu nhập cho nhà nước.
Chủ yếu lao động Triều Tiên làm việc trong các ngành xây dựng, nông nghiệp, công nghiệp… Họ được thuê qua các công ty trung gian. Hiện có khoảng từ 50 đến 200 nghìn người Triều Tiên đang lao động ở nước ngoài. Trong đó khoảng 20 nghìn người đang làm việc tại các công trình xây dựng ở Nga hay trong ngành khai thác gỗ tại Siberia.
Ngoài ra người ta có thể thấy lao động xuất khẩu Triều Tiên ở Trung Quốc, Trung Đông hay cả ngay trong Liên minh Châu Âu như Ba Lan hoặc Malta. Mỗi năm nguồn lao động này mang về cho ngân sách Nhà nước khoảng 200 triệu euro.
Không chỉ có làm ăn buôn bán, Triều Tiên còn tìm kiếm nguồn thu từ các mạng lưới ngầm được xây dựng từ lâu nay. Bình Nhưỡng đã tập trung đào tạo các chuyên gia tin học hàng đầu thế giới. Đội quân này đang bị nghi ngờ đã tham gia tấn các hệ thống mạng đánh cắp tiền của nhiều ngân hàng trong vùng Đông Nam Á.
La Croix kết luận: Những hoạt động kiếm tiền như vậy đã “phác họa hình ảnh một đất nước đã tổ chức một nền kinh tế riêng để không bị lệ thuộc vào ai, đồng thời tận dụng đầy đủ lợi thế quá trình toàn cầu hóa bằng các phương pháp che đậy tinh vi”.
Minh Châu (BT)