Theo nhà phân tích Harry J. Kazianis - biên tập viên cao cấp của tạp chí The National Interest, có ba “kịch bản” mà Trung Quốc có thể theo đuổi sau phán quyết ngày 12/7 của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye và hầu hết đều xấu không chỉ đối với Châu Á.
|
Nhà phân tích Harry J. Kazianis - biên tập viên cao cấp của tạp chí The National Interest. |
1. Kịch bản thứ nhất: Trung Quốc đẩy mạnh những gì đã và đang làm ở Biển Đông
Đây là kịch bản ít khả năng xảy ra nhất, nhưng nhìn bề ngoài cũng không phải là một lựa chọn xấu đối với Trung Quốc. Trung Quốc có thể tiếp tục xây dựng trên các “đảo nhân tạo” ở Biển Đông mà nước này đã bồi đắp trái phép và biến chúng thành những căn cứ quân sự vũ trang đến tận răng, với các loại vũ khí chống tàu (kể cả “sát thủ tàu sân bay”), các loại máy bay chiến đấu và máy bay ném bom hiện đại nhất và biến Biển Đông thành Khu vực chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2 / AD). Trong kịch bản này, Bắc Kinh sẽ lên tiếng cực lực bác bỏ phán quyết của PCA, trong khi vẫn tiếp tục những gì đã và đang làm ở Biển Đông.
Thế nhưng kịch bản này có vẻ như rất khó xảy ra, xét theo những gì mà Trung Quốc đã nói và làm.
Vài ngày trước khi Tòa án Trọng tài Thường trực phán quyết về vụ kiện “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ thỏa hiệp về vấn đề chủ quyền, Phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 1/7, ông Tập Cận Bình nói: “Không quốc gia nào nên kỳ vọng chúng ta phải nuốt viên thuốc đắng, gây tổn hại tới các quyền lợi về chủ quyền, an ninh hoặc sự phát triển của chúng ta”.
Các chiến lược cũ sẽ không được còn áp dụng nữa, trong khi công luận Trung Quốc đòi phải có phản ứng cứng rắn, phải phô trương sức mạnh và cứng rắn với các thế lực bên ngoài trong vùng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Điều này chỉ dẫn đến hai “kịch bản” khác và cả hai đều có thể kích động sự đối đầu giữa các siêu cường.
2. Kịch bản thứ hai: Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ ở Biển Đông
Trong nhiều tháng qua, Bắc Kinh đã “úp mở” nói về khả năng thiết lập Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Khi được hỏi về khả năng này, hầu hết các quan chức Trung Quốc nói rằng trong khi Bắc Kinh không có ý định thiết lập ADIZ trên Biển Đông vào thời điểm hiện tại, nhưng một quyết định thiết lập ADIZ trong tương lai sẽ dựa trên môi trường đe dọa ở phía nam Biển Đông. Một phán quyết của PCA chống lại Bắc Kinh có thể là cơ sở để họ chính thức thay đổi thái độ.
Trung Quốc sẽ tuyên bố rằng nước này cảm thấy bị đe dọa và Bắc Kinh bị "buộc phải” thiết lập ADIZ trước sức ép quốc tế. Và xem xét việc Bắc Kinh đã triển khai tên lửa phòng không, máy bay chiến đấu (trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) ở Biển Đông, có vẻ như Trung Quốc có thể tuyên bố thiết lập ADIZ, ngay cả khi nước này không hoàn toàn có khả năng thực thi như ở Biển Hoa Đông. Chỉ có điều, việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ ở Biển Đông sẽ làm gia tăng tăng căng thẳng đáng kể. Tùy thuộc vào qui mô và phạm vi của nó, việc Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng khu vực khắp Châu Á. Washington sẽ phải phản ứng mạnh hơn, chứ không phải chỉ cử một hoặc hai chiếc B-52 thách thức ADIZ Trung Quốc như ở Biển Hoa Đông.
3. Kịch bản thứ ba: Trung Quốc trở nên hung hăng hơn khắp Đông Á
Nếu thiết lập ADIZ ở Biển Đông là không đủ, Trung Quốc có thể quyết định can thiệp vào tất cả các điểm nóng ở Châu Á, về cơ bản sẽ hung hăng hơn.
-Bắc Kinh có thể gia tăng đáng kể các cuộc tuần tra bằng không quân và hải quân ở Biển Hoa Đông, khiêu khích Nhật Bản. Đồng thời, Trung Quốc sẽ không ngần ngại khoan dầu khí ở tất cả các vùng biển đang tranh chấp.
- Trung Quốc có thể quyết định tăng cường gây sức ép đối với Đài Loan. Chủ tịch Tập Cận Bình có thể quyết định cắt giảm đáng kể lượng khách du lịch đại lục đến hòn đảo này. Ông Tập cũng bắt đầu hạ thấp khối lượng thương mại và đầu tư mà Đài Bắc hiện đang rất cần. Trong thực tế, ông Tập Cận Bình có nhiều công cụ có thể sử dụng để khiến cho Đài Loan khốn đốn và làm gia tăng căng thẳng ở Eo biển Đài Loan.
- Bắc Kinh có thể quyết định đây là thời điểm công khai chiếm bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Đây sẽ là động thái nguy hiểm nhất và gây tranh cãi nhất. Washington đã cảnh báo rằng Mỹ sẽ hành động, sau khi đã triển khai các loại chiến đấu cơ như máy bay ném bom A-10 Warthog và các máy bay khác ở Philippines. Tuy nhiên, liệu Mỹ sẽ làm gì nếu tàu hút bùn Trung Quốc xuất hiện ở bãi cạn Scarborough cách bờ biển Philippines 150 dặm và Scarborough trở thành một căn cứ quân sự trên Biển Đông?
Thật không may cho khu vực, những gì sẽ xảy ra sau phán quyết của PCA có thể sẽ khiến cho tình hình Biển Đông càng thêm căng thẳng.
Harry J. Kazianis kết luận: Nhà phân tích Xem xét các “kịch bản” nói trên và những gì Trung Quốc đã làm để thay đổi nguyên trạng trong mấy năm qua, tình hình Biển Đông chắc sẽ trở nên căng thẳng trong những tháng tới.
Minh Châu (Theo Asia Times)