Ba vấn đề Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông, tập trung vào: “đường lưỡi bò” phi lý, hành động trái với UNCLOS và xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Manila.

Ngày 7/7, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) La Haye (The Hague)  bắt đầu xem xét đơn của Philippines kiện Trung Quốc.
Có một chi tiết đáng chú ý là tòa PCA được sáng lập từ năm 1899 theo quyết định của Hội nghị hòa bình quốc tế La Haye, triệu tập theo sáng kiến của Nga hoàng cuối cùng Nicholas II. Đây là tổ chức lâu đời nhất chuyên giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Hiện thời, năm vị thẩm phán của Tòa án La Haye (PCA) sẽ xét đơn kiện của Philippines. Manila yêu cầu tòa PCA phân xử ba vấn đề về Biển Đông. Thứ nhất, đó là tính chất vô hiệu lực trong các tuyên bố của Bắc Kinh về chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với biển đảo, đáy biển và dưới đáy biển trong cái gọi là "đường lưỡi bò", vượt ra ngoài lãnh hải thuộc chủ quyền Trung Quốc theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Thứ hai, việc Trung Quốc thành lập đặc khu kinh tế trên các đảo đá và rạn san hô ở biển Đông trái với UNCLOS. Và thứ ba, Trung Quốc thực hiện các yêu sách trên là vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Philippines.
Ba van de Philippines kien Trung Quoc o Bien Dong
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario trình bày trước Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye. 
Vụ kiện đã được Philippines đệ trình lên tòa PCA từ đầu tháng Giêng năm 2013. Ngay tại thời điểm đó, Ngoại trưởng  Albert del Rosario cho biết rằng Philippines đã áp dụng hết tất cả mọi biện pháp chính trị và ngoại giao nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc một cách hòa bình, nhưng không amng lại kết quả.
Sau hai năm rưỡi, tình huống xung đột tại biển Đông càng trầm trọng hơn nữa. Ngoài Trung Quốc và Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, Brunei, và ở một mức độ nào đó, cả Indonesia cũng tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này.
Vậy thì tại sao chỉ có Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài quốc tế?
Nhà khoa học chính trị Nga, giáo sư Dmitry Mosyakov, giải thích: "Thứ nhất, đây là biểu hiện cảm xúc cao độ vốn có của người Philippines. Trong vấn đề này, họ khác hẳn các nước khác ở khu vực Đông Nam Á, đang rất kiềm chế trong tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. Còn Philippines luôn có những động thái đột xuất. Ngoài ra, về mặt tinh thần, Philippines là quốc gia thân phương Tây nhất trong số các nước Đông Nam Á. Philippines chưa bao giờ có bất kỳ sự ngưỡng mộ nào đối với Trung Quốc với tư cách là trung tâm lịch sử và văn hóa khu vực Đông Á. Mối quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc thiếu chiều sâu lịch sử và chỉ dựa trên tính chất thực dụng. Đối với Philippines, quan hệ với Mỹ có giá trị hơn quan hệ với Trung Quốc. Và từ lâu, Mỹ đã tìm cách lái xung đột lãnh thổ ở Đông Nam Á thành xung đột đa phương, thu hút các tổ chức quốc tế siêu quốc gia…tham gia vào việc giải quyết xung đột lãnh thổ này”.
Giáo sư Mosyakov nói tiếp: "Đối với Mỹ, sự xoay chiều chính trị-quân sự về phía Philippines là con ‘át chủ bài’ quan trọng trong cuộc chơi phức tạp diễn ra trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Thông qua Philippines, Mỹ có một công cụ mạnh để gây áp lực với Trung Quốc tại một trong những khu vực nhạy cảm nhất thế giới”.
Trung Quốc ngay lập tức bác bỏ tuyên bố của Philippines, từ chối hợp tác và không thừa nhận thẩm quyền của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye. Toà án diễn ra mà không có mặt của đại diện Trung Quốc. Điều lệ của tòa án cho phép cơ chế như vậy. Theo kế hoạch, tòa PCA sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng 3/2016.
Minh Châu (Theo Sputnik)