Lịch sử cho thấy khi một cường quốc mới nổi đe dọa soán ngôi một cường quốc đang thống trị, kết cục sẽ là chiến tranh.
|
Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình và Mỹ dưới thời ông Donald Trump có thể đang trên con đường tiến tới bùng nổ chiến tranh. Ảnh YouTube |
“Bẫy Thucydides”
Theo tờ Washington Post, một Trung Quốc trỗi dậy đang thách thức một Mỹ vốn quen với thế thống trị. Đóng góp của Mỹ cho sản lượng kinh tế toàn cầu giảm 22% trong năm 1980 xuống còn 16% ngày nay, trong khi đóng góp của Trung Quốc tăng từ 2% lên 18% trong cùng giai đoạn.
Các sử gia biết rằng khi một cường quốc trỗi dậy đe dọa soán ngôi một cường quốc đang thống trị, chuông báo động sẽ vang lên, cảnh báo “nguy hiểm cực kỳ” ở phía trước.
Sử gia Hy Lạp Thucydides cho rằng chính sự trỗi dậy của thành Athens và nỗi sợ của thành Sparta thời Hy Lạp cổ đại đã khiến chiến tranh không thể tránh khỏi, khiến cả hai thành phố vĩ đại bị xóa sổ. Tương tự, cách đây một thế kỷ, sự trỗi dậy của Đức và nỗi sợ ở Anh đã khơi mào cho chiến tranh thế giới.
Ông Graham Allison, giám đốc Trung tâm Khoa học và các vấn đề quốc tế Belfer thuộc Đại học Harvard, gọi đặc điểm trên là “bẫyThucydides” và cho rằng cái bẫy này sẽ lặp lại với Trung, Mỹ.
Theo thống kê, sự nổi lên của một quốc gia lớn đã làm gián đoạn vị thế thống trị của một quốc gia 16 lần trong 500 năm qua. Trong 16 lần đó, 12 lần diễn ra chiến tranh, 4 lần tránh được xung đột là nhờ bên thách thức và bị thách thức điều chỉnh quan điểm và hành động.
Ông Allison cho rằng chắc chắn sẽ có một chuỗi sự kiện đối đầu Trung Quốc-Mỹ trong những năm tới. Thế giới hiện chưa rõ lãnh đạo hai cường quốc này có thể xử lý đối đầu mà không làm leo thang thành chiến tranh hay không. Hiện nay, điều đó phụ thuộc vào Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump.
Khác mà giống
Thoạt nhìn, tưởng như phong cách của hai lãnh đạo Trung, Mỹ là đối lập. Tuy nhiên, dưới nhiều góc độ, họ là hình ảnh phản chiếu của nhau.
Cả hai đều cam kết khôi phục sự vĩ đại của đất nước với một nghị trình gồm những thay đổi triệt để. Khi lên nắm quyền năm 2012, ông Tập Cận Bình tuyên bố “Giấc mơ Trung Hoa” của mình, kêu gọi khôi phục lại sự vĩ đại của Trung Quốc. Còn với ông Trump, khẩu hiệu của ông là “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Cả hai đều tự hào về khả năng lãnh đạo độc đáo. Ông Trump cho rằng một mình có thể sửa chữa các vấn đề của nước Mỹ. Ông Tập thì được cho là đang củng cố quyền lực hơn bao giờ hết.
Nghị trình của hai nhà lãnh đạo cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều có những phức tạp riêng và đều coi mình là “vô đối”. Theo tác giả Allison, cả ông Trump và Tập đều coi quốc gia kia là vật cản chính trong quá trình đạt tham vọng của mình.
Do đó, khủng hoảng có thể không tránh được và sẽ gây ra hậu quả không bên nào mong muốn.
Ba “tia lửa” tiềm tàng
Hiện nay, một số “tia lửa” tiềm tàng châm ngòi xung đột Trung – Mỹ đang hiện rõ một cách đáng sợ. Các vấn đề như Đài Loan, hạt nhân Triều Tiên và thương mại là ba mâu thuẫn có thể kể tới.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump cáo buộc Trung Quốc “cưỡng bức” kinh tế Mỹ. Hôm 30/3, ông Trump viết trên Twitter là cuộc gặp sắp tới với ông Tập Cận Bình “sẽ rất khó khăn” vì “chúng ta không thể chịu được thâm hụt thương mại khổng lồ và tình trạng mất việc làm hơn nữa”.
Liệu xung đột thương mại có trở thành chiến tranh nóng bỏng kết thúc bằng các vụ nổ hạt nhân? Xét lịch sử Mỹ và Nhật Bản, điều đó có thể xảy ra. Nhật Bản tấn công Trân Châu cảng sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt với nước này, đưa nước này vào cuộc chiến kết thúc bằng hai quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima và Nagasaki.
Về vấn đề Đài Loan, đây có thể là con đường thẳng nhất dẫn tới chiến tranh Trung – Mỹ. Trong giai đoạn chuyển tiếp, ông Trump đã khiến Trung Quốc giận dữ khi nhận điện thoại chúc mừng của lãnh đạo Đài Loan. Trong trường hợp Đài Loan (Trung Quốc) có sự thay đổi đột ngột về việc độc lập với Trung Quốc, bước qua vạch đỏ của Trung Quốc cho dù có hay không sự khuyến khích của ông Trump, Bắc Kinh có thể “cập nhật” phiên bản “các vụ thử tên lửa” năm 1996 để đe dọa.
Nếu Mỹ hỗ trợ Đài Loan, đưa Hải quân hộ tống tàu tiếp tế cho hòn đảo này, Trung Quốc có thể tìm cách đánh chìm các tàu Mỹ. Để ngăn Trung Quốc trấn áp Đài Loan, Mỹ sẽ phải thực hiện các vụ tấn công mạnh và liên tiếp vào các căn cứ tên lửa trên Trung Quốc Đại lục, có thể khiến hàng nghìn người chết. Trung Quốc chắc chắn sẽ giáng trả tương tự.
Về vấn đề Triều Tiên, nước này là một chất xúc tác tiềm tàng cho cuộc chiến Trung – Mỹ. Trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung sắp tới, người ta cho rằng ông Trump sẽ đề nghị ông Tập gây áp lực hơn với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Nếu Trung Quốc không hành động, ông Trump sẽ “tự xử” Triều Tiên.
Với tốc độ hiện nay, Triều Tiên sẽ có thể phóng vũ khí hạt nhân tới Mỹ. Ông Trump từng tuyên bố sẽ không để điều này xảy ra. Lầu Năm góc đã chuẩn bị các lựa chọn quân sự khác nhau để kiềm chế chương trình tên lửa của Triều Tiên. Việc Mỹ tấn công sẽ kích động trả đũa từ Triều Tiên, làm bùng nổ một cuộc chiến tranh Triều Tiên thứ hai hoặc gây sụp đổ chế độ Triều Tiên. Cả hai khả năng có thể khiến Mỹ và Trung Quốc lâm trận.
Vậy liệu có khả năng kiểm soát căng thẳng giữa một cường quốc trỗi dậy và một cường quốc thống trị mà không gây ra chiến tranh? Theo ông Allison, câu trả lời là có.
Ông Tập Cận Bình và cựu Tổng thống Barack Obama thậm chí đã bàn tới các “bẫy Thucydides” trong hội nghị thượng đỉnh năm 2015 nhưng không thống nhất được biện pháp tránh bẫy này. Ông Tập đề xuất “hình thức quan hệ nước lớn kiểu mới”, xoay quanh lợi ích cốt lõi của Trung Quốc mà ông Obama không đồng ý.
Hiện nay, ông Trump và ông Tập có cơ hội để định hình lại mối quan hệ quan trọng nhất thế kỷ 21. Điều quan trọng hơn bất kỳ biến số nào trong cuộc gặp lần này là liệu hai lãnh đạo có nhận ra nguy cơ xung đột trước mắt và muốn tránh nguy cơ đó hay không.
Theo Thùy Dương/Báo Tin Tức