Trong diễn văn về chính sách ngoại giao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York (Mỹ) ngày 19/11, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi tăng cường cuộc chiến chống IS trên các mặt trận quân sự, ngoại giao và tư tưởng, gần với một số ý kiến của các nghị sĩ Cộng hòa vốn bị Tổng thống Obama bác bỏ.
“Đây là thời điểm bắt đầu một giai đoạn mới, tăng cường và mở rộng nỗ lực của chúng ta để tiêu diệt IS. Đây là cuộc chiến trên toàn thế giới và do Mỹ dẫn đầu”, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu.
|
Cựu Ngoại trưởng Mỹ, ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ - bà Hillary Clinton.
|
Cũng như Tổng thống Mỹ Barack Obama, bà Clinton bác bỏ ý tưởng mà một số nghị sĩ của Đảng Cộng hòa ủng hộ rằng cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS cần sự hiện diện lớn của binh sĩ Mỹ trên lãnh thổ Iraq và Syria.
“Đó không phải là chính sách thông minh. Nếu chúng ta rút ra được bài học từ cuộc chiến 15 năm trước tại Iraq và Afghanistan, nhân dân và quốc gia bản địa phải bảo vệ đất nước của họ. Chúng ta có thể giúp họ nhưng chúng ta không thể làm thay họ”, Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ khẳng định.
Tuy nhiên, theo bà Clinton, số binh sĩ đặc nhiệm Mỹ mà Tổng thống Obama điều đến Syria hỗ trợ cho quân nổi dậy Syria “ôn hòa” là chưa đủ.
“Chúng ta cần triển khai nhiều hơn”, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ nói.
Vào thời điểm hiện tại, bà Clinton cho rằng một cuộc tấn công khủng bố trên đất Mỹ có thể làm gia tăng áp lực đưa bộ binh đến Syria nhưng “việc này sẽ là sai lầm”.
Và bà Clinton cũng cho rằng binh sĩ Mỹ hiện ở Iraq và Syria cần có các quy tắc giao chiến linh hoạt hơn để họ có thể tiếp cận gần hơn với tiền tuyến.
“Chúng ta có thể phải trao quyền tự do lớn hơn và linh hoạt hơn cho các binh sĩ đặc nhiệm Mỹ, bao gồm hỗ trợ các đơn vị địa phương và hỗ trợ không kích các mục tiêu”, bà Clinton nói.
Bà Clinton cũng kêu gọi tăng cường các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu IS “với nhiều chiến đấu cơ của đồng minh hơn, tần suất tấn công nhiều hơn và mục tiêu mở rộng hơn”. Theo một cố vấn của chiến dịch quân sự này, bà Clinton sẽ đánh vào huyết mạch kinh tế của phiến quân IS, chẳng hạn như xe chở dầu.
Bà Clinton tán thành hai đề xuất mà các nghị sĩ Cộng hòa từ lâu theo đuổi trong khi Tổng thống Obama bác bỏ. Đó là thiết lập và bảo vệ “nơi trú ẩn an toàn cho người dân Syria", đồng thời, cung cấp vũ khí cho các chiến binh người Sunni và người Kurd, không thông qua chính phủ Baghdad. Các nghị sĩ Cộng hòa nói rằng các chuyến hàng vũ khí của Mỹ phải quá cảnh qua chính phủ Iraq, khiến việc chuyển giao vũ khí đến tay các binh sĩ chậm trễ.
“Baghdad cần chấp thuận việc Mỹ cung cấp vũ khí cho chiến binh người Sunni và người Kurd. Nhưng nếu Baghdad không đồng ý, liên quân sẽ chuyển giao trực tiếp”, bà nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà Clinton cũng kêu gọi việc thành lập một “vùng cấm bay” ở Syria mà chính quyền ông Obama bác bỏ. Clinton cho rằng việc này sẽ hỗ tợ các nhóm đối lập chống IS và Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng thời, góp phần hạn chế cuộc khủng hoảng tị nạn.
“Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với liên minh và các quốc gia láng giềng để thiết lập vùng cấm bay để ngăn quân chính phủ Syria không kích lực lượng đối lập. Với sự hỗ trợ trang thiết bị từ liên minh, lực lượng đối lập trên mặt đất có thể tạo ra vùng an toàn nơi người dân Syria có thể sinh sống thay vì trốn chạy sang các nước Châu Âu”, cựu Ngoại trưởng Mỹ lập luận.
Bà Clinton cũng thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng tị nạn Syria là một trong những “vấn đề tranh luận nóng nhất” ở Mỹ sau vụ khủng bố ở Paris đêm 13/11 khiến 129 người thiệt mạng.
Bà chỉ trích các nghị sĩ Đảng Cộng hòa và những người khác nói rằng kế hoạch tiếp nhận người tị nạn Syria của Mỹ tạo ra mối đe dọa khủng bố. Mỹ đã tiếp nhận 10 nghìn người tị nạn Syria. Bà Clinton đồng tình với chính quyền Obama rằng kế hoạch này phù hợp với lý tưởng của Mỹ và chương trình sàng lọc người tị nạn diễn ra rất nghiêm ngặt.
“Dĩ nhiên, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là bảo vệ người dân Mỹ. Do vậy, chúng tôi cần thận trọng và rà soát lai lịch tất cả những người tị nạn đến từ Syria dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia an ninh. Chương trình cấp visa cũng phải được xem xét kỹ lưỡng”, bà Clinton cho biết.
“Chúng tôi không thể để những kẻ khủng bố khiến chúng tôi phải từ bỏ những giá trị và nghĩa vụ nhân đạo của chúng tôi. Chúng tôi không thể đóng sầm cánh cửa trước tất cả những người tị nạn Syria”, bà nói thêm.
Đồng thời, bà Clinton cũng nói về các nước đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh.
“Ả-rập Xê-út, Qatar và những nước khác cần ngăn công dân nước họ tài trợ trực tiếp cho các tổ chức cực đoan cũng như trường học và thánh đường khắp thế từng đưa quá nhiều người trẻ tuổi vào con đường cực đoan”, bà Clinton nói.
“Sau mỗi cuộc tấn công khủng bố tàn bạo, mọi xã hội đều đối mặt với sự lựa chọn giữa nỗi sợ hãi và sự quyết tâm. Những nền dân chủ lớn trên thế giới không thể hy sinh các giá trị của họ hoặc quay lưng với những người cần sự giúp đỡ. Vì vậy, chúng ta phải quyết tâm. Và chúng ta phải dẫn dắt thế giới giải quyết mối đe dọa này”, bà Clinton tuyên bố.
Thiên An (Theo Yahoo News)