1. Diễn biến mới nhất trong vụ "Hồ sơ Panama”?
Các ngân hàng lớn và những công ty tài chính ở Anh đã dành hơn một tuần để làm sáng tỏ bất kỳ mối liên hệ nào với công ty luật Mossack Fonseca.
Theo báo cáo của Hiệp hội Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ), nhiều ngân hàng lớn, trong đó có UBS, Credit Suisse và HSBC được cho là đã “giúp” khách hàng giấu tiền ở các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, các ngân hàng này đều bác bỏ cáo buộc trên ngày 5/4.
Tài liệu Panama cũng chỉ ra rằng công ty luật Mossack Fonseca đã “hỗ trợ” việc thành lập hơn 1.000 công ty vỏ bọc ở Mỹ.
|
Hồ sơ Panama bao gồm hơn 11 triệu tài liệu thuế trong hàng chục năm qua được lấy từ hãng luật Mossack Fonseca ở Panama.
|
Vụ bê bối “Hồ sơ Panama” khiến chính quyền Iceland chao đảo. Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson từ chức hôm 5/4 sau khi tên của ông này cũng xuất hiện trong danh sách “Hồ sơ Panama”.
Còn tại Trung Quốc, nước này đã chặn các website nhắc đến "Hồ sơ Panama".
Trong khi đó, chính phủ các nước Anh, Pháp, Bỉ, Australia và Mexico cam kết điều tra rõ những nghi án trốn thuế trong tài liệu Panama.
2.Ai đang dính líu đến Hồ sơ Panama?
Tài liệu nhắc đến 12 nhà lãnh đạo thế giới cùng 128 quan chức, chính trị gia khác, trong đó có Tổng thống Argentina Mauricio Macri, cha của Thủ tướng Anh David Cameron, nhiều quan chức Trung Quốc, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko,...
3.Những người liên quan nói gì về “Hồ sơ Panama”?
Nhiều quan chức và chính trị gia thế giới tỏ ra tức giận và bác bỏ cáo buộc rằng họ sử dụng các công ty và tài khoản nước ngoài để cất giấu hàng tỷ USD.
Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) cho rằng những tài liệu này hết sức "vô lý".
Các quan chức Trung Quốc mô tả vụ việc sẽ "không đi tới đâu" trong khi người phát ngôn của Tổng thống Argentina nói rằng ông Marci chưa từng sở hữu cổ phần trong công ty mà ông bị cho là có liên kết.
Tổng thống Ukraine Poroshenko cũng bác bỏ cáo buộc liên quan đến vụ bê bối này.
Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định: “Tôi không có cổ phiếu hay quỹ nào ở nước ngoài”.
4.Việc thành lập một công ty vỏ bọc hay mở tài khoản ở nước ngoài là bất hợp pháp?
Có nhiều lý do để thành lập một công ty vỏ bọc ở nước ngoài, chẳng hạn để quản lý một doanh nghiệp quốc tế. Tuy nhiên, các công ty vỏ bọc và tài khoản nước ngoài có thể được sử dụng cho mục đích rửa tiền.
Báo cáo của ICIJ khẳng định các khách hàng của Mossack Fonseca bao gồm ít nhất 33 cá nhân và công ty vốn bị liệt kê vào danh sách đen vì liên quan đến khủng bố và hoạt động buôn bán ma túy bất hợp pháp.
5.Mossack Fonseca là gì?
|
Người sáng lập Mossack Fonseca: Jurgen Mossack (trái) và Ramon Fonseca Mora. (Ảnh: Geopolitics).
|
Mossack Fonseca là một công ty luật có trụ sở tại Panama do Jurgen Mossack và Ramon Fonseca Mora thành lập năm 1977. Công ty luật này chuyên cung cấp các dịch vụ pháp lý cho các công ty và tập đoàn ở nước ngoài.
Được biết, Mossack Fonseca có khoảng 40 văn phòng trên toàn cầu, từng “giúp” khách hàng đến từ 200 quốc gia và vùng lãnh thổ thành lập trên 240 nghìn công ty nước ngoài, theo ICIJ.
Phía Mossack Fonseca cho biết trên CNN rằng, nhiều người có tên trong báo cáo của ICIJ không phải là khách hàng của họ.
6.Tại sao vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” trở thành vấn đề "nóng"?
Vụ bê bối "Hồ sơ Panama" gây xôn xao dư luận xuất hiện vào thời điểm áp lực trấn áp nạn trốn thuế và rửa tiền đang gia tăng.
Các tổ chức quốc tế vừa nhất trí về các quy tắc minh bạch mới và giới chức kêu gọi những người giàu đóng thuế công bằng.
7.Tại sao lại là Panama?
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, hai năm trước, nền kinh tế mở của Panama cùng sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ tài chính nước ngoài khiến Panama có nguy cơ cao trở thành một “thiên đường” rửa tiền.
Cho đến tháng Hai, quốc gia Trung Mỹ này vẫn nằm trong danh sách quốc tế các quốc gia bị theo dõi vì luật chống rửa tiền lỏng lẻo. Panama cũng nằm trong danh sách đen "thiên đường thuế" của Ủy ban Châu Âu.
Video Thủ tướng Iceland từ chức sau vụ "Hồ sơ Panama" (Nguồn video TTXVN):
Thiên An (Theo CNN)